Dù sức ép thiếu nguồn cung...Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt, nhu cầu điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2030 bình quân khoảng 9 - 10%/năm, gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng GDP. Trong khi đó, với cơ cấu về sản lượng điện của ba loại nguồn gồm: Thủy điện, năng lượng tái tạo, nhiện điện khí, vào năm 2020 chỉ đạt 48,3% và đến năm 2030 giảm còn 39,9%.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã có quyết định tạm dừng xây dựng hai Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Theo các chuyên gia, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chiến lược phát triển các nhà máy nhiệt điện than là cần thiết nhưng cần được xem xét thận trọng nhiều mặt, làm sao để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triên kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo môi trường.
Ngành Điện nói chung và ngành Điện phía Nam nói riêng đang nỗ lực tìm hướng phát triển điện “sạch”. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Tiến sĩ Trần Trọng Quyết, Phó Chủ tịch Hội Điện lực miền Nam cho biết, với thực trạng như trên, trong thời gian tới nguồn cung điện trong nước thiếu hụt khoảng 50% sản lượng. Việc đầu tư xây dựng nguồn điện từ năng lượng tái tạo sẽ đảm bảo về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần nguồn vốn ban đầu lớn và giá thành quá cao so với tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay nên rất khó khả thi.
Còn đối với nhiệt điện than, Tiến sĩ Quyết cho rằng, nhà máy nhiệt điện than có một số hạn chế như chiếm diện tích đất lớn vì phải trang bị hệ thống cung cấp than, đặc biệt là bãi thải tro xỉ, nếu không có giải pháp sử dụng lại. Chưa kể, nhiệt điện than không linh hoạt trong vận hành, thích hợp với chế độ vân hành ở phụ tải đáy, chi phí vận hành và bảo dưỡng cao, nhu cầu nước làm mát rất lớn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quyết, nhà máy nhiệt điện than giữ vai trò chủ lực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng để phát triển bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: đầu tư công nghệ hiện đại; có chủ trương, cơ chế, chính sách để thu hồi, tái chế, sử dụng tối đa các chất thải xỉ than, tro bay.
Đồng thời cần có giải pháp đáp ứng đủ nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện than (do than của Việt Nam chỉ là than cám, không phù hợp với nhà máy nhiệt điện than công nghệ cao).
Để giảm thiểu tác động môi trường của nhiệt điện than cần áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến ở mức có thể chấp nhận được đối với điều kiện kinh tế đất nước để giảm thiểu khối lượng phát thải cũng như thực hiện các giải pháp hữu hiệu thu gom, xử lý và sử dụng các chất phế thải rắn để sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng.
Vẫn phải phát triển điện “sạch” Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch chi hàng nghìn tỷ đồng nhằm cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý khí thải của các nhà máy nhiệt điện than cũ như Phả Lại 600 MW: 1.347 tỷ đồng; Hải Phòng 1.200 MW: 1.570 tỷ đồng; Quảng Ninh 1.200 MW: 1.740 tỷ đồng; Uông Bí 600 MW: 1.314 tỷ đồng.
Riêng chỉ có Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) hiện đang áp dụng hệ thống xử lý khí thải NOx, hệ thống lọc bụi tĩnh, hệ thống xử lý SO2, ống khói cao 210m, cơ bản đáp ứng yêu cầu hạn chế ảnh hưởng môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, xây dựng nhiệt điện than là nhu cầu cấp thiết để đáp ứng nguồn cung điện, nhưng Chính phủ cần ban hành chính sách, quyết định riêng để thực hiện nhằm đảm bảo an ninh, môi trường, chứ không nên giao cho các đơn vị doanh nghiệp tự chọn lựa công nghệ, nhà thầu như lâu nay.
Ông Thụ cho rằng, đối với 14 nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch xây dựng tại Đồng bằng Sông Cửu Long, cần có yêu cầu khắt khe về công nghệ mới được xây dựng.
Song song với việc đảm bảo nguồn cung điện từ nhiệt điện than, ngành điện phía Nam luôn quan tâm phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời. Ví dụ, tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cùng với nguồn điện từ nhiên liệu dầu diesel, Côn Đảo đang sử dụng nguồn điện mặt trời từ 7 giàn tấm module quang điện, 2 bộ biến đổi từ điện một chiều thành điện xoay chiều, có công suất 36 kW với sản lượng điện ước tính hơn 50 MWh/năm.
Đây là nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mới đây, tại Cụm công nghiệp Vàm Cống (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), một doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Sao Mai An Giang phối hợp với đối tác nước ngoài xây dựng và cho đi vào hoạt động nhà máy điện mặt trời có công suất 1,06 MW.
Ngoài ra trong thời gian tới, Tổng Công ty Điện lực miền Nam sẽ đầu tư tại Côn Đảo dự án lắp đặt pin năng lượng mặt trời giai đoạn 1 với công suất 1,5 MW. Với dự án này, nguồn điện sẽ đủ để người dân Côn Đảo phát triển ngành nghề, các cơ sở lưu trú, khách sạn.
Theo Tiến sỹ Trần Trọng Quyết, để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần phải có chính sách hợp lý từ phía Chính phủ để thu hút đầu tư thì may ra trong 3 năm tới mới đạt được tỷ lệ 9,9% tổng công suất, 6,5% tổng sản lượng trong năm 2020 và 21% tổng công suất và 10,7% tổng sản lượng trong năm 2030.