Ngành dệt may nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại nhiều địa phương đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể vận chuyển hàng hóa nguyên liệu, không đủ nhân lực ổn định sản xuất…

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp dệt may lo lắng ảnh hưởng khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở phía Nam. Ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các bộ, ngành và doanh nghiệp đang nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Doanh nghiệp gặp khó

Dệt may và da giày là ngành đặc thù sử dụng số đông lao động tại Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam lại nằm trong Top 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may. Vì vậy, những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 rất dễ gây ra việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tại thời điểm này có đến 97% các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam đều phải đóng cửa vì dịch COVID-19. Còn lại khoảng 3% vẫn hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", chủ yếu phục vụ khâu phát triển mẫu hoặc do có các đơn hàng gấp, nếu dừng sản xuất thì thiệt hại rất lớn. Hiện đã có một số đối tác lo ngại chuỗi cung ứng hàng hóa của họ sẽ bị đứt gãy đã có động thái dịch chuyển đơn hàng sang các nước khống chế dịch tốt hơn.

Đối với vấn đề lao động ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, cái khó nhất là không biết khi nào sản xuất trở lại bình thường nên không thể chuẩn bị cho việc giữ lao động cũng như lên kế hoạch sản xuất để bù đắp thời gian đã mất, do đó không thể xác nhận được thời điểm xuất hàng. Đồng thời, tỷ lệ công nhân tham gia 3 tại chỗ tại các nhà máy chỉ từ 10-30%, nên việc sản xuất cũng không ra sản phẩm và đây là tình thế tạm thời và không mong muốn.

Để thích nghi với yêu cầu phòng, chống dịch ở mức cao nhất, các doanh nghiệp của nhiều tỉnh, thành phố như: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau... đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” gồm: sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ hoặc thực hiện giải pháp “một cung đường, hai điểm đến”.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để thực hiện các giải pháp này, nhất là với những đơn vị có số công nhân hàng nghìn công nhân.

Công ty CP Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh, Tp.Hồ Chí Minh) đã phải dừng hoạt động 2/5 nhà máy để lấy chỗ làm, nơi ở cho hơn 400 công nhân. Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện đơn vị này, hiện việc thu xếp thực hiện “3 tại chỗ” và thu xếp chi phí xét nghiệm thường xuyên cho hơn 1.700 công nhân là điều rất khó khăn. Công suất nhà máy hiện chỉ duy trì được khoảng hơn 10%. Các đơn hàng xuất khẩu hiện đã phải dừng.

“Thời điểm này, các đối tác tạo điều kiện để giãn, hoãn đơn hàng nhưng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, hệ lụy sẽ rất lớn, có thể mất đơn hàng”, đại diện Công ty CP Sài Gòn Food cho biết.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Đức Giang cho hay, có doanh nghiệp đã bố trí phương án sản xuất "3 tại chỗ|, nhưng từ 60-70% người lao động không đồng ý ở lại công ty do sợ bị lây lan dịch bệnh. Vậy số lao động này có được hưởng trợ cấp như thế nào. Nếu doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc thì thực sự sẽ không đủ khả năng chi trả và đây cũng là khó khăn của các doanh nghiệp.

Sớm tiêm vaccine

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dịch bùng phát tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo, đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt các đơn hàng xuất khẩu. Thực tế cho thấy, nếu không có giải pháp giúp họ sớm quay trở lại sản xuất, khách hàng sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị đang vào cuộc chống dịch một cách quyết liệt. Tuy nhiên, với những biến thể mới của COVID-19, giải pháp căn cơ là người lao động và người dân phải được tiêm vaccine nhanh nhất và nhiều nhất có thể.

Ông Vũ Đức Giang đề xuất, để đảm bảo an toàn cho người lao động và doanh nghiệp có thể sớm quay lại ổn định sản xuất kinh doanh, nhà nước ưu tiên cho người lao động tại các doanh nghiệp sớm được tiêm vaccine, có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí.

Ngoài ra, có thể giành ưu tiên cho đội ngũ lái xe để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và đảm bảo sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động với trên 2,5 triệu lao động, riêng đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là 150.000 lao động. Các doanh nghiệp ngành dệt may đều có quan điểm thống nhất về việc sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm được vaccine cho người lao động của mình.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, đối với đợt đầu tiên, Vinatex mong muốn tất cả người lao động trực tiếp được tiêm vaccine và sau đó, nếu lượng vaccine đủ thì nhân rộng ra để tiêm cả cho những người trong gia đình, những người sống cùng người lao động để đảm an toàn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nếu như vậy, nhu cầu đợt một của Vinatex để tiêm đủ cả 2 liều sẽ lên tới trên 300.000 liều vaccine và nếu cả gia đình của họ với trung bình khoảng từ 2-3 người phụ thuộc vào một lao động thì các đơn vị phải cần tới trên 1 triệu liều vaccine cho Vinatex.

Ông Lê Tiến Trường cũng cho hay, tập đoàn đã đề nghị với Chính phủ và cũng đã có văn bản chính thức gửi đến Ban chỉ đạo Nhà nước về phòng chống dịch COVID-19 về việc các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả các chi phí dành cho việc tiêm vaccine cho toàn thể cán bộ công nhân viên - người lao động của mình. Từ đó, gánh vác một cách trực tiếp cho nguồn lực của quốc gia trong giai đoạn này, để nguồn lực quốc gia cộng với các nguồn đóng góp khác có thể hỗ trợ khu vực người dân chưa có việc làm hoặc còn nhiều khó khăn về kinh tế.

"Với cách làm này, chúng tôi tính toán, các doanh nghiệp của Vinatex cần dành nguồn ngân sách từ 100 - 200 tỷ đồng để chuẩn bị cho chương trình tự lo vaccine cho người lao động của mình”, ông Trường nói.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong dịch COVID-19, trước tiên là cần ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng lao động trong các ngành sản xuất và vận tải, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics, như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Đối với các lái xe đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Tiếp đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng…

Đức Dũng (TTXVN)
Quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa
Quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa

Cùng với các giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong đại dịch COVID-19, các ngành và địa phương vẫn đang tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất cũng như hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản mùa vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN