Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận chiều 25/7 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Giải quyết ách tắc trong lưu thông hàng hóa
Nhìn lại bức tranh kinh tế đất nước 6 tháng đầu năm 2021, đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng ,có 3 động lực phát triển kinh tế. Thứ nhất là tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng nội địa là sức cầu nội địa, thị trường nội địa để kích hoạt sản xuất nông nghiệp và hàng tiêu dùng trong nước. Theo đại biểu, động lực này trong thời gian qua đã có mức độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Động lực thứ hai là đầu tư công. Đại biểu nhấn mạnh, mặc dù dịch bệnh diễn ra khá nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong năm 2020 là trên 90%, qua đó duy trì được tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong khi các nước khác tăng trưởng âm nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 2,9%.
Động lực thứ ba là xuất khẩu. Theo đại biểu, xuất khẩu của Việt Nam vẫn là xuất siêu. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải duy trì trạng thái này thông qua đảm bảo chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn của các nước, qua đó tạo nguồn thu ngoại tệ, vừa đóng góp cho tăng trưởng, vừa tạo ổn định tỷ giá thị trường ngoại hối, cũng như góp phần ổn định các chỉ số vĩ mô, lãi suất.
Về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm, đại biểu Trần Anh Tuấn dẫn thực tế hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, hàng hóa nông sản dư thừa, trong khi ở những đô thị đang bị giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, có sự thiếu hụt nhất định hàng hóa nông sản, không đủ nguồn cung để đáp ứng được nhu cầu của những đô thị lớn. Đại biểu đề nghị, Chính phủ và các địa phương cần phải có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sự lưu thông hàng hóa tốt hơn nhằm giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu về hàng hóa cho các đô thị.
“Sản xuất nông nghiệp cho tới thị trường phải đảm bảo sự phân phối liên tục từ đầu vào những sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, thịt, cá, hải sản... là vùng nuôi, trồng đến lưu thông tới khâu siêu thị bán buôn, bán lẻ nhằm cung cấp một cách đầy đủ những sản phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân, cho người lao động trong các doanh nghiệp để duy trì được chuỗi sản xuất trong nước và quốc tế”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, nếu không đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, sản xuất trong nước sẽ bị ngưng trệ, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phục vụ cho phát triển kinh tế.
Bày tỏ sự băn khoăn về những khó khăn sắp tới trong nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu GDP đạt 6% trong năm nay và năm sau, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng hiện nay, Chính phủ cần xây dựng chương trình, kịch bản tăng trưởng cho phù hợp. Ví dụ như trong điều kiện dịch bệnh được cơ bản khống chế ổn định thì dự báo tăng trưởng đạt gần mức chỉ tiêu đề ra. Còn trong trường hợp tình huống xấu, dịch bệnh khó kiểm soát và kéo dài hơn, cần tính toán đến yếu tố tốc độ tăng trưởng kinh tế cho phù hợp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất vaccine trong nước
Liên quan đến những giải pháp phòng, chống dịch, đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh tới những giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Chính phủ có sự năng động, linh hoạt trong xử lý những vấn đề về mua sắm trang thiết bị, máy móc y tế, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, mua vaccine từ nước ngoài. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, thời điểm này, Chính phủ, ngành chức năng cần phải sử dụng công nghệ thông tin một cách tối đa để có thể giám sát và ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các ngành hữu quan trong việc tiếp cận những nguồn vaccine phòng COVID-19 bên ngoài để đưa vaccine về Việt Nam, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm nay, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng đề nghị Chính phủ nên tiếp tục đẩy mạnh tính chủ động những hoạt động ngoại giao sớm, tiên liệu và có những động thái nhanh chóng tiếp cận các nguồn vaccine và thuốc chữa COVID-19 ở nước ngoài, trong đó có cả công nghệ sản xuất.
Chung quan điểm với đại biểu Trần Anh Tuấn, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, trong điều kiện rất khó khăn hiện nay, thời gian qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều hoạt động, gọi là ngoại giao vaccine. Qua đó, như Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo trước Quốc hội, Việt Nam đã có được những hợp đồng có thể cung cấp và dự kiến có được như theo kế hoạch khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để có thể đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine trong nước và đạt mục tiêu tiêm chủng bao phủ miễn dịch cộng đồng cho khoảng 70% người dân.
Bên cạnh ngoại giao vaccine, đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá cao và kiến nghị Bộ Y tế với các ngành chức năng có liên quan đẩy nhanh tiến độ sản xuất được vaccine trong nước. Theo đại biểu, nếu như sản xuất đủ vaccine trong nước với năng lực là 100 triệu liều/năm như thông tin Bộ Y tế đưa ra thì rõ ràng là từ nay đến cuối năm cũng như kế hoạch năm trong năm 2022, chúng ta sẽ đảm bảo được vaccine để tiêm cho người dân theo kế hoạch miễn dịch cộng đồng của Chính phủ.
Nhấn mạnh vaccine và miễn dịch cộng đồng là vấn đề then chốt hiện nay, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất 3 giải pháp. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và doanh nghiệp phải tiếp cận vận động, ký hợp đồng đưa vaccine về Việt Nam càng nhanh càng tốt. Chính phủ cũng cần phải có một cơ chế khuyến khích không chỉ khu vực Nhà nước, Chính phủ tiếp cận được nguồn vaccine mà còn cả doanh nghiệp, các địa phương cũng có khả năng tiếp cận được nguồn vaccine qua việc hướng dẫn, hỗ trợ mua vaccine.
Theo đại biểu, Việt Nam cần có thêm nguồn vaccine nội địa, “made in Việt Nam”. “Tôi cho rằng nếu tháo gỡ được những vướng mắc của quy trình, thủ tục và đặc biệt cần có sự tập trung hỗ trợ Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các cơ quan chức năng khác, chúng ta hy vọng rằng sẽ có được vaccine nội địa, qua đó giúp chúng ta đi được bằng hai chân trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19”, đại biểu chia sẻ.