Trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 2/8/2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá, với nhiều khó khăn này, xuất khẩu dệt may trong cả năm nay có thể chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thay vì con số 39-39,5 tỷ USD như mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Xin ông cho biết, tình hình tiêm vaccine COVID-19 tại các doanh nghiệp dệt may hiện nay như thế nào?
Tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may Việt Nam hiện còn rất thấp. Tiêm vaccine là do Chính phủ phân về các địa phương. Từng địa phương đánh giá thấy lĩnh vực nào thiết yếu thì tổ chức tiêm trước rồi tới các lĩnh vực khác.
Tại khu vực TP Hồ Chí Minh, theo phản ánh của các doanh nghiệp dệt may, trong tuần vừa qua và trong tuần này, các doanh nghiệp đã được bố trí tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, tại khu vực phía Nam, trọng tâm sản xuất của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là ngành may chủ yếu nằm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp.
Trong bối cảnh hiện tại, điều cấp bách là Chính phủ cần đánh giá thực trạng các ngành công nghiệp; trong đó có ngành công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách phân bổ vaccine về các địa phương. Các địa phương cũng cần quan tâm tiêm cho người lao động trong các nhà máy, các khu công nghiệp.
Hiện nay, người lao động tại các doanh nghiệp dệt may đang rời khỏi các tỉnh, thành phía Nam khá nhiều. Theo ông, điều này đặt ra thách thức như thế nào cho các doanh nghiệp trong thời gian tới?
Hiện người lao động đang rời khu vực phía Nam, cụ thể như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Trung Nam bộ. Người lao động đã về quê, khả năng không quay lại khi các địa phương được mở cửa trở lại, do đó, doanh nghiệp hoạt động trở lại là thách thức rất lớn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, nếu số lao động có quay trở lại khả năng chỉ đạt được 60-65%. Ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt thách thức lớn ngay trong tháng 8 và cả quý III/2021.
Ông dự báo ra sao về kết quả xuất khẩu dệt may cả năm nay, liệu có đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm trong bối cảnh hàng loạt khó khăn bủa vây như trên?
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đạt gần 19 tỷ USD. Nếu hết tháng 8/2021 kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp trở lại làm việc ở trạng thái bình thường theo Chỉ thị 15 của Chính phủ thì con số xuất khẩu cả năm nay dự kiến đạt khoảng 32-33 tỷ USD. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu ban đầu đặt ra năm 2021 là 39-39,5 tỷ USD. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ngoài sụt giảm xuất khẩu đáng kể so với mục tiêu, khó khăn từ dịch COVID-19 còn có thể gây ra những tác động bất lợi như thế nào cho phát triển ngành dệt may trong dài hạn, thưa ông?
Đối với tình hình hiện nay, nếu doanh nghiệp không được tiêm vaccine sẽ làm đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành dệt may Việt Nam cho toàn cầu. Khối doanh nghiệp đối mặt với vấn đề không đảm bảo cam kết thời gian giao hàng cho các nhãn hàng.
Ở thời điểm hiện tại, tỷ trọng các nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30-35%. Tôi cho rằng tới đây, hàng loạt nhà máy này thậm chí sẽ phải đóng cửa lâu dài, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là bởi các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực để chi phí các vấn đề cho làm việc “3 tại chỗ”, trả lương hỗ trợ cho người lao động để người lao động quay trở lại làm việc… Đây là thách thức rất lớn trong ổn định mô hình của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Trong dài hạn, nếu đến cuối năm 2021, xuất khẩu dệt may chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, dệt may Việt Nam sẽ khó có khả năng giữ chân đối tác.
Xin cảm ơn ông!