Trong năm 2013, xếp sau một loạt sự kiện kịch tính ở Washington D.C được truyền thông Mỹ ưu ái thông tin đậm, có một câu chuyện lớn bị “lép vế”, đó là ngành công nghiệp dầu mỏ của nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào thời kỳ đại phát.Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Mỹ sẽ qua mặt các “đại gia” trong ngành năng lượng, như Saudi Arabia và Nga, trở thành nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới vào năm 2015 nhờ hoạt động khai thác dầu đá phiến phát triển mạnh.
Khai thác dầu tại khu vực gần Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã, Gene Panasenko, cố vấn tài chính đồng thời giữ vai trò quản lý tài sản tại LPL Financial, nhận xét: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ có bước nhảy vọt chủ yếu nhờ hoạt động khai thác tại các mỏ dầu ở Texas, North Dakota và Vịnh Mexico. Sự bùng nổ này sẽ giúp Mỹ trong hai thập niên tới độc lập hơn về năng lượng. Thế nhưng “thành tích” đáng nể của ngành dầu khí đã bị lu mờ bởi những sự kiện “bom tấn” như ông Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ, hay Chính phủ Mỹ tạm đóng cửa vào mùa thu vừa qua.
Ngành năng lượng phất lên, lượng việc làm sẽ tăng?Đến nay, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Các chuyên gia phân tích chưa xác định được sự bùng nổ dầu mỏ sẽ chèo lái việc kiến tạo việc làm ra sao, khi thị trường lao động vẫn yếu một cách “ngoan cố”, bất chấp nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi và thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.
IEA dự báo giai đoạn bùng lên của ngành dầu mỏ Mỹ sẽ bắt đầu chững lại vào năm 2020, sau khi đại phát trong vài năm tới và “ánh hào quang” này sẽ lan sang các ngành công nghiệp khác.
Shane H. Siederman, tư vấn tài chính tại Bay Ridge Financial Group Inc., cho biết từ tháng 6/2013, ngành dầu mỏ và than đã liên tục đi lên, đóng góp khoảng 10% cho tốc độ tăng trưởng ở khu vực chế tạo. Một số báo cáo cho hay, trên 3,2% tổng lượng việc làm tại khu vực chế tạo năm 2013 có liên quan tới sự phát triển của ngành dầu khí. Và con số này được dự báo sẽ đạt trên 4% vào năm 2025.
Ngành năng lượng Mỹ đi lên cũng tác động mạnh tới ngành công nghiệp đóng tàu, khi các xưởng đóng tàu đang bận rộn đóng mới hàng loạt tàu chở dầu cực lớn và nhiều đơn hàng đang chờ đến lượt.
Hoạt động khai thác dầu mỏ phát triển đã tạo được một lượng lớn việc làm, nhưng điều này không thật sự đúng. Đây là ý kiến của Barry Bosworth, Viện sĩ ở Brookings Institution. Nó giúp làm hạ giá năng lượng và bước đầu khiến nước Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với một loạt ngành công nghiệp sử dụng năng lượng. Bởi vậy nó có thể là một “bánh xe phát động” đối với thị trường việc làm và sức tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào tỷ giá hối đoái.
Hoạt động nhập khẩu năng lượng giảm trong khi xuất khẩu gia tăng sẽ khiến đồng USD lên giá và dẫn đến “Dutch disease" (Căn bệnh Hà Lan, tên gọi một loại nguy cơ kinh tế xảy ra khi đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dẫn tới suy giảm ngành công nghiệp chế tạo - một hiện tượng giảm công nghiệp hóa).
Các nhà xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên thường “gây khó” cho khu vực chế tạo khi tác động lên tỷ giá hối đoái. Nguồn cung năng lượng tăng khiến hoạt động nhập khẩu, tiêu thụ và lượng tài sản của Mỹ đồng loạt đi lên. Và tất cả các nhân tố này khiến Mỹ gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, vốn là nơi “hút” một lượng lớn việc làm.
Vẫn còn quá sớm để nói về tác động của bùng nổ dầu mỏ đối với thị trường việc làm. Tuy nhiên, theo ông Bosworth, xu hướng hiện nay chưa đủ lực để ảnh hưởng mạnh tới tổng lượng việc làm tại Mỹ.
"Vàng đen" chi phối cán cân thương mại MỹMột số nhà quan sát cho rằng nếu muốn biết Mỹ đã xoay xở ra sao để thu hẹp thâm hụt thương mại xuống mức thấp nhất của 4 năm thì hãy phóng tầm mắt tới Texas, North Dakota, hay các bang khác, nơi hoạt động sản xuất dầu mỏ đang nhộn nhịp. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của cường quốc này trong tháng 11/2013 ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009.
Cuộc cách mạng trong lĩnh vực khai thác dầu đá phiến, cùng các công nghệ tiết kiệm năng lượng phát triển giúp Mỹ trong những năm gần đây đang hướng tới độc lập về năng lượng. Chuyên gia kinh tế Ted Wieseman thuộc Morgan Stanley cho biết, mức thâm hụt trong buôn bán dầu mỏ của Mỹ đã giảm mạnh, từ 266 tỷ USD (có điều chỉnh theo lạm phát) năm 2006, xuống chỉ còn khoảng 107 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2013.
Nhưng Mỹ không phải là một thành viên mới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tính đến hết tháng 11/2013, lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ năm ngoái vẫn nhiều hơn 60 lần so với lượng dầu xuất khẩu. Nhưng dù sao tình hình cũng đang thực sự cải thiện.
Cũng trong 11 tháng đầu của năm 2013, kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2012, khi các giếng dầu trong nước đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa.
Và thêm một bằng chứng cho thấy cơn khát năng lượng của người khổng lồ Mỹ phần nào đã được thỏa mãn. Trong năm 2013, giá xăng dầu tại Mỹ trung bình ở mức 3,49 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), mức thấp nhất kể từ năm 2010, và được dự báo năm 2014 sẽ còn giảm nữa. Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) cho biết, 30 bang tại Mỹ có giá xăng trung bình nằm dưới ngưỡng 3,5 USD/gallon trong năm 2013. Giá xăng thấp nhất là ở bang South Carolina (3,24 USD/gallon), và cao nhất thuộc về bang Hawaii (4,24 USD/gallon).
Hương Giang (Theo THX, Reuters)