Do đó, ngành công thương các địa phương đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt, ngành cũng tăng cường phòng, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo về việc bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định về việc tổ chức Chương trình Khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 2- 31/12 và được tổ chức trên phạm vi toàn quốc kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi trong thời gian diễn ra chương trình có thể lên đến 100%.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Sở sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời bám sát chỉ đạo của thành phố để xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.
Cùng đó, Sở cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; trong đó, chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hãng hóa, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Tương tự, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình năm nay dự kiến thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023.
Đặc biệt, chương trình cũng mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, in laser...) vào nhóm các mặt hàng phục vụ học tập; bổ sung nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy…
Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, nhiều chương trình khuyến mãi tập trung như "Rộn ràng mua sắm mùa xuân" sẽ được diễn ra. Lượng hàng bình ổn theo cam kết của chương trình sẽ chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng bình thường và chiếm khoảng 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết Ất Tỵ 2025.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart chia sẻ: Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần các tháng trong năm. Bên cạnh đó, hệ thống tiến hành nhập hàng, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hoạt động tốt vào cao điểm tháng 11, 12/2024, đảm bảo kiểm soát hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường.
Còn theo đại diện siêu thị Co.op Mart Hà Đông, hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi sốc nhằm kích cầu tiêu dùng tại 800 điểm bán; tổ chức các phiên chợ đồng giá với mức giá chỉ từ 7.000 - 59.000 đồng. Ngoài ra, siêu thị còn có chương trình "Mua là tặng" với hình thức mua 2 tặng 1 cùng loại...
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi mang đến cơ hội mua sắm hàng trăm sản phẩm "Giá siêu rẻ" với mức giảm giá lên đến 50% cùng các ưu đãi mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1. Các mặt hàng này đều thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu từ thực phẩm khô như: dầu ăn, nước mắm, gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, đồ uống cho đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng chăm sóc cá nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng thị trường Tết năm 2025 sẽ ảm đạm do người dân tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường chậm sẽ dẫn đến cuộc chạy đua hạ giá để kích cầu. Bởi nhiều hệ thống đã chốt kế hoạch chuẩn bị hàng Tết với các nhà cung cấp lớn từ cách đây hơn 1 tháng với mức chuẩn bị khá lạc quan. Tuy nhiên, bão số 3 (Yagi) cùng những biến động thời tiết khiến ức mua ở khu vực miền Bắc giảm mạnh, tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu trên toàn hệ thống cũng giảm. Do đó, các đơn vị này sẽ phải làm việc lại để điều chỉnh kế hoạch, bao gồm cả sản lượng và giá cả để hợp với diễn biến thị trường.
Để ổn định nguồn cung và kích cầu thị trường mua sắm cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá; trong đó, có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Đặc biệt, bộ sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng. Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 9/2024, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Một số địa phương (chủ yếu là các địa phương trọng điểm về du lịch) có doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; TP Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7,0%.