Nhằm gia tăng nguồn lực tập trung hỗ trợ khách hàng khó khăn do dịch bệnh, ngành ngân hàng đã nhiều lần kiến nghị các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các tổ chức tín dụng thông qua việc giảm phí cước viễn thông. Song đến nay, dường như các nhà mạng vẫn đang "bình chân" trước đề nghị này.
Ngân hàng "dài cổ" chờ đợi
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vài trăm tỷ đồng là số tiền phí SMS mỗi năm mà các ngân hàng phải chi trả cho các doanh nghiệp viễn thông. Cụ thể như tại BIDV, con số này ước tính khoảng 400 tỷ đồng, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) khoảng 200 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên 300 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng khoảng 400 tỷ đồng...
“Đây là một khoản phí không nhỏ mà các tổ chức tín dụng có thể chuyển một phần sang cho khách hàng qua các biện pháp hỗ trợ. Đặc biệt, số lượng tin nhắn gửi tới khách hàng đang gia tăng mạnh mẽ do nhu cầu giao dịch online tăng cao, nhưng các ngân hàng vẫn phải chịu một mức phí chung từ trước đến nay thì việc bù lỗ SMS quả thực là vấn đề lớn đối với ngân hàng”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Hiện các ngân hàng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng về biến động số dư tài khoản, thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, lịch trả tiền vay, sao kê, mã xác thực (OTP)...
Mức giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao hơn từ 2-3 lần so với mức giá tin nhắn của khách hàng cá nhân. Cụ thể, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 785 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/tin nhắn chăm sóc khách hàng. Các nhà mạng khác như Vietnamobile, Beeline cũng có mức giá cao tương tự.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cho biết, các nhà mạng thu phí SMS đối với các cá nhân từ 100 - 350 đồng/tin nhắn, trong khi thu phí của ngân hàng là từ 700 - 820 đồng/tin nhắn. Mỗi tháng, ngân hàng có từ 20 - 40 triệu giao dịch (tùy quy mô ngân hàng) như vậy sẽ có ít nhất 40 - 80 triệu tin nhắn được gửi ra cho khách hàng để xác thực giao dịch, thông báo biến động tài khoản...
"Nếu như ngân hàng thu phí của khách hàng đúng như nhà mạng thu phí ngân hàng thì hoàn toàn không lỗ. Nhưng ngân hàng hiện tại đang miễn giảm phí thậm chí không thu phí cho khách hàng. Số tiền hỗ trợ miễn, giảm phí của ngân hàng là không hề nhỏ. Như vậy, toàn bộ số tiền nhà mạng thu của ngân hàng chính là số lỗ mà ngân hàng phải gánh chịu", ông Lân chia sẻ.
Tính riêng trong năm 2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã 3 lần gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các ngân hàng qua việc giảm phí cước viễn thông. Mới đây nhất, tháng 8/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản lần thứ 4 về vấn đề này nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì việc miễn, giảm phí cho khách hàng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng vẫn chưa nhận được phản hồi về kế hoạch hoặc chính sách giảm cước tin nhắn dịch vụ của các nhà mạng.
Phí neo cao vì bảo mật?
Đầu tháng 8/2021, Các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV… đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng. Tuy nhiên, phí tin nhắn thương hiệu dành cho ngân hàng lại không được nhắc tới trong gói hỗ trợ này.
"Giảm giá cước dịch vụ tin nhắn ngân hàng có thể khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông sụt giảm mạnh. Đây có thể là lý do khiến các nhà mạng đến nay vẫn "ngó lơ" trước các yêu cầu giảm phí của ngân hàng", Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải.
Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng đã đến lúc các công ty viễn thông cần xem lại chính sách của mình để thực hiện giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng. Việc giảm giá cước các dịch vụ viễn thông nên thực hiện công bằng cho tất cả các khách hàng; trong đó có ngân hàng. Để từ đó, ngân hàng có điều kiện chuyển tiếp sự hỗ trợ này cho khách hàng doanh nghiệp, điều mà các doanh nghiệp đang rất mong chờ.
Về phía ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân cho hay, cước phí neo cao, theo các nhà mạng là để đảm bảo bảo mật và an toàn cho các tin nhắn SMS Brandname. Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều trường hợp kẻ gian dựa vào lỗ hổng bảo mật của các nhà mạng để gửi tin nhắn brandname tới khách hàng của các ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
"Không ít khách hàng "sập bẫy", gây nên sự bức xúc và mất niềm tin vào dịch vụ ngân hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu ngân hàng. Nhưng đến nay chưa có nhà mạng nào đứng ra nhận trách nhiệm về mình và có những hành động truyền thông cần thiết để cảnh báo khách hàng", ông Lân bày tỏ.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định sẽ đề nghị các nhà mạng giải thích rõ việc tính cước tin nhắn các loại đối với các tổ chức tín dụng; cũng như đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc lừa đảo qua tin nhắn mà lỗi không phải từ các tổ chức tín dụng, điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của họ.
Mặt khác, ông Hùng nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng là khách hàng lớn của các nhà mạng, đáng nhẽ các nhà mạng cần phải có chính sách ưu đãi, chia sẻ khó khăn đối với khách hàng của mình. Việc các nhà mạng "bình chân như vại" là không phù hợp với thị trường khi mà các ngân hàng phải chịu mức phí cao gấp 3 lần tin nhắn thông thường và số lượng tin nhắn ngày càng tăng lên.
Việc giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng sẽ giúp ngân hàng giảm số lỗ đang phải bù đối với dịch vụ tin nhắn SMS, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng và người dân.
Để việc giảm giá cước tin nhắn đạt hiệu quả, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị các cơ quan quản lý liên quan nên có tiếng nói để các công ty viễn thông chủ động giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, gián tiếp đồng hành chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.