Theo đại diện ngân hàng này, chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng phải bù lỗ đến hàng trăm tỷ đồng.
Thanh toán online, đặc biệt là thanh toán trên thiết bị di động đã có sự phát triển bùng nổ trong thời gian qua, kéo theo việc các ngân hàng phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn. Chi phí cho dịch vụ tin nhắn từ đó cũng tăng theo cấp số nhân.
Đối mặt với thách thức này, các ngân hàng đang đẩy mạnh khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (app) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP (phương thức bảo mật được tích hợp trong app ngân hàng).
Đặc điểm chung của các hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí. Thông báo số dư qua app còn có thể hiển thị bằng tiếng Việt có dấu và có thể nhận ở nước ngoài mà không cần chuyển vùng (roaming).
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch, nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng cho mỗi giao dịch.
Đối với thông báo biến động số dư, ngoài việc khuyến khích khách hàng nhận thông báo qua app miễn phí, các ngân hàng cũng đã thay đổi chính sách thu phí tin nhắn SMS báo số dư.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thực hiện thu phí thông báo số dư qua tin nhắn SMS theo bậc thang.
Theo đó, Vietcombank thu phí từ 10.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận dưới 20 SMS) đến 70.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 100 SMS trở lên). BIDV thu phí 9.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 0 - 15 SMS) đến 70.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 101 SMS trở lên).
Đây không phải những ngân hàng đầu tiên thực hiện chính sách này. Từ hồi tháng 9/2020, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thu phí từ 12.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 0-15 SMS) đến 75.000 đồng/tháng (đối với khách hàng nhận từ 61 SMS trở lên).
Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ gửi SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông. Cước phí tin nhắn mà các nhà mạng thu từ ngân hàng thường từ 700-820 đồng/tin nhắn, cao gấp nhiều lần cước phí SMS đối với các cá nhân, thường từ 100-350 đồng/tin nhắn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ước tính một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ phải trả phí cước cho 15-20 triệu tin nhắn/tháng, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Như vậy, hàng tháng các tổ chức tín dụng đang phải thanh toán cho các nhà mạng số tiền không hề nhỏ.
Từng chia sẻ với báo chí, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cho biết, nếu như ngân hàng thu phí của khách hàng đúng như nhà mạng thu phí ngân hàng thì hoàn toàn không lỗ. Nhưng ngân hàng hiện tại đang miễn giảm phí thậm chí không thu phí cho khách hàng. Như vậy, toàn bộ số tiền nhà mạng thu của ngân hàng chính là số lỗ mà ngân hàng phải gánh chịu.
Trong năm 2020 và 2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã 4 lần gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các ngân hàng qua việc giảm phí cước viễn thông, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức căng thẳng và phức tạp. Tuy nhiên đến nay, các ngân hàng vẫn chưa nhận được phản hồi về kế hoạch hoặc chính sách giảm cước tin nhắn dịch vụ của các nhà mạng.
"Các tổ chức tín dụng là khách hàng lớn của các nhà mạng, đáng nhẽ các nhà mạng cần phải có chính sách ưu đãi, chia sẻ khó khăn đối với khách hàng của mình. Việc giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng sẽ giúp ngân hàng giảm số lỗ đang phải bù đối với dịch vụ tin nhắn SMS, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng và người dân", ông Hùng chia sẻ.