Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Mất trắng tài sản do bão Yagi, ông Vũ Văn Cường, ở Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh không kìm nổi nước mắt khi nhìn những gì còn sót lại sau bão. "Chỉ là những mảnh vỡ ngổn ngang của bè cá, không còn gì nữa, 3 bè cá của gia đình bị thiệt hại với tổng giá trị gần 14 tỷ đồng. Có nhà còn thiệt hại tới 20 - 30 tỷ đồng. Giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi không biết làm thế nào, chỉ mong được xem xét hoãn, giãn nợ cho bà con và được vay tiền để làm lại từ đầu...”, ông Vũ Văn Cường bày tỏ.
Theo chia sẻ của nhiều người dân xã Tân An, dù biết rằng cơn bão sắp đổ bộ, đã làm đủ biện pháp chống đỡ, nhưng trước sức mạnh của thiên nhiên, con người vô cùng nhỏ bé. Người dân nuôi trồng thủy hải sản chi biết nhìn tài sản, cơ nghiệp trôi theo dòng nước lũ.
Thống kê sơ bộ đến hết ngày 10/9 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, có trên 11.000 khách hàng với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão, trong đó có nhiều khách hàng đang nuôi trồng thủy sản. Tại huyện Vân Đồn, địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh, hầu hết diện tích đang nuôi trồng thủy sản của người dân Vân Đồn đã bị bão "xóa sổ", với 1.338 cơ sở bị thiệt hại. Tổng thiệt hại bước đầu ước tính trong nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngành Du lịch cũng hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp. Hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ khu vực TP Hạ Long đều bị thiệt hại liên quan đến vỡ kính, ngói mái nhà biệt thự; sức gió mạnh làm sập, hỏng trần, hỏng đồ đạc trong phòng nghỉ, khu vực sảnh đón tiếp, nhà hàng, quầy bar, khu vực phụ trợ...
Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 “càn quét”, khiến 2.237 hộ dân bị ngập lụt, 70.587 nhà bị tốc mái, 98 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt, trên 2.402 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tỉnh đã mất điện trên diện rộng, kéo theo mất nước do mất điện, thông tin liên lạc gián đoạn…
Hàng loạt khu công nghiệp (KCN) ở Quảng Ninh cũng chịu thiệt hại nặng nề do bão như: KCN Cái Lân (TP Hạ Long) có các công ty bị tác động lớn bởi bão là Công ty TNHH sợi Thế Kỷ Mới Việt Nam, Công ty sản xuất nến cao cấp AIDI, Công ty sản xuất bao bì Ánh Dương, Công ty TNHH Wolfram đều bị thiệt hại ở khu nhà xưởng và văn phòng. Nhiều nhà xưởng sản xuất thiết bị điện tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị nước tràn vào sàn nhà xưởng như: Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, Công ty Bumjun Electronics, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống máy móc và nguyên liệu sản xuất…
Ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Mặc dù sớm chủ động triển khai phòng chống, ứng phó với cơn bão và mưa lũ, nhưng theo thống kê sơ bộ, có 34 chi nhánh Vietcombank bị chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó riêng Hải Phòng, Quảng Ninh có 7 chi nhánh bị ảnh hưởng, thiệt hại về cơ sở vật chất ước tính gần 6 tỷ đồng, một số điểm giao dịch phải tạm dừng hoạt động. Ước tính, có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng, với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Trước thực tế trên, Vietcombank đã áp dụng giảm lãi suất 0,5% từ ngày 6/9 - 31/12 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới, tạo điều kiện doanh nghiệp và người dân vay vốn ổn định cuộc sống.
Về hoạt động an sinh xã hội, Vietcombank đã cùng Công đoàn ngành Ngân hàng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão gây ra số tiền 2 tỷ đồng thông qua Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; đồng thời, phát động các cán bộ nhân viên Vietcombank ủng hộ 1 ngày lương, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Agribank vừa có chuyến công tác chia sẻ với các chi nhánh cũng như thăm hỏi một số hộ sản xuất, doanh nghiệp vay vốn trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề bởi bão tại Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình. Phía ngân hàng cũng đã đề nghị các chi nhánh thống kê nhanh thiệt hại của khách hàng vay vốn và đề xuất, hỗ trợ kịp thời khách hàng vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.
Trước đó, Tổng Giám đốc Agribank đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh, đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3. Theo đó, các chi nhánh loại I khẩn trương, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc, cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng vay vốn để thống kê, ước tính thiệt hại do ảnh hưởng của bão; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…); tăng cường công tác an sinh xã hội.
Chung tay hỗ trợ khách hàng mùa lũ, Ngân hàng MSB vừa thông báo giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, giúp khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. Theo đó, từ nay đến ngày 31/12, MSB giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại MSB với thời gian vay lên đến 60 tháng.
“Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi bao gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng, với lãi suất từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%. Hạn mức cao, thời gian vay dài hạn; đồng thời, được hỗ trợ đa dạng mục đích tài trợ vốn cũng như hình thức cấp tín dụng như khoản vay, thấu chi, bảo lãnh và thẻ tín dụng... được xem là nguồn trợ lực lớn giúp các hộ kinh doanh vững vàng sau bão lũ”, đại diện MSB cho biết.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với hạn mức vay thế chấp lên đến 6 tỷ đồng, lãi suất từ 4,99% và hạn mức vay tín chấp lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất từ 7,7%. Về thời gian vay, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng và các hình thức vay đa dạng như cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay trung dài hạn, thấu chi, thẻ tín dụng và tài trợ thương mại... góp phần tháo gỡ khó khăn, thiệt hại do bão lũ đề lại.
VPBank đã giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Cụ thể, các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ hôm nay, tức ngày 13/9 đến hết 31/12, áp dụng tại tất cả các tỉnh thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái...
Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chính mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn từ 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu tiên cho toàn bộ các khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác hoặc vay mua bất động sản, vay xây dựng sửa chữa nhà. Song song với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp đến khách hàng, VPBank cũng vừa ủng hộ 2 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua, theo lời kêu gọi của Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.