Ngân hàng “chê” ngư dân không có kinh nghiệm đi biển

Nhiều hộ ngư dân ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã bán tàu cá của mình với mong muốn lấy nguồn vốn này làm vốn đối ứng cộng với nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đóng tàu có công suất lớn hơn, thiết bị đi biển hiện đại hơn.

Thế nhưng kỳ vọng của họ vẫn chưa thành hiện thực bởi nhiều lý do khác nhau.

Mới có 8 tàu đóng mới

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh một số nội dung trong danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ vừa được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, huyện Thăng Bình có 23 chiếc tàu được đóng mới. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay ở huyện Thăng Bình mới chỉ có 8 chủ tàu vay được vốn ngân hàng để triển khai đóng mới tàu; trong đó, có 5 chiếc hạ thủy, đưa vào sử dụng.

Đối với số tàu còn lại trong chỉ tiêu, ngư dân đã hoàn chỉnh hồ sơ, UBND huyện Thăng Bình đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Toàn bộ hồ sơ vay vốn của ngư dân đã được gửi đến các ngân hàng thương mại nhưng đến nay cũng mới chỉ có Ngân hàng Đầu tư - Phát triển và Ngân hàng Nông nghiệp cho vay vốn để đóng mới 8 tàu. Số còn lại đang trong giai đoạn tiếp cận với ngân hàng nhưng xem ra khả năng cho vay kịp thời của ngân hàng đối với những tàu còn lại này là rất thấp.

Lễ bàn giao 3 tàu cá theo Nghị định 67 tại cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Về nguyên nhân khiến ngư dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng để đóng mới tàu đánh cá theo Nghị định 67, ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, lý do các ngân hàng đưa ra là: ngư dân thiếu kinh nghiệm đi biển xa bờ; phương án sản xuất kinh doanh của ngư dân chưa khả thi, tiếp đến là kế hoạch vốn năm 2016 chưa có nên ngân hàng chưa cho vay.

Ông Hương cho biết thêm, đối với phương án sản xuất kinh doanh, UBND huyện Thăng Bình đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngân hàng có hướng dẫn cụ thể để ngư dân đáp ứng các tiêu chí do ngân hàng đưa ra nhưng đến nay các ngân hàng vẫn… im lặng. Còn về kinh nghiệm đi biển của ngư dân thì cả bao đời nay ngư dân đã gắn bó với biển, cho nên ngân hàng không cần phải bận tâm, ông Hương hài hước.

Thất nghiệp vì bán tàu lấy vốn đối ứng

Do chưa vay được vốn nên nhiều ngư dân chưa đóng mới được tàu cá. Hơn một năm nay, bao chuyến biển đã đi qua, nhưng hàng chục hộ ngư dân cùng hàng trăm lao động ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lại rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Đã nhiều tháng nay, thay vì thỏa sức vùng vẫy ở ngư trường khơi xa, ông Nguyễn Văn Cứ, một ngư dân dày dạn kinh nghiệm ở xã Bình Minh chỉ quẩn quanh ở vùng biển ven bờ với tay lưới rê, vốn chỉ được dùng cho những người phụ nữ. Sự “đổi ngôi” này bắt nguồn từ việc ông quyết định bán chiếc tàu chụp mực có công suất 450CV, để có đủ vốn đối ứng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Thế nhưng khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã triển khai hơn một năm, gia đình ông vẫn chưa được vay vốn dù đã hoàn chỉnh tất cả mọi hồ sơ, thủ tục và đã được UBND tỉnh phê duyệt vào danh sách chủ tàu có đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu. Cùng cảnh ngộ như ông Cứ, anh Trần Công Mậu ở thôn Tân An, xã Bình Minh cũng đã nhận được quyết định phê duyệt vay 14 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ có công suất 811CV nhưng vẫn chưa được tiếp cận với vốn vay ngân hàng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cứ cho biết, gia đình ông cũng như hàng chục gia đình khác ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình đã hoàn thiện các thủ tục vay vốn đóng mới tàu đánh bắt hải sản theo Nghị định 67 gồm: tiền thuê tư vấn thiết kế thân tàu, máy tàu, hợp đồng mua ngư lưới cụ… Tất cả các yêu cầu của ngành chức năng chúng tôi đều đáp ứng đầy đủ nhưng đã hơn một năm qua chúng tôi vẫn chưa được vay vốn của ngân hàng.

Bức xúc trước việc ngư dân không được tiếp cận với nguồn vốn vay, ông Trương Công Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam thẳng thắng cho biết: “Vì chờ nguồn vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ khá lâu nên bây giờ bà con ngư dân ở địa phương chúng tôi đã ngán ngẩm lắm rồi”.

Phó Chủ tịch Trương Công Bảy cho biết thêm: “Để có mẫu thiết kế mỗi con tàu, ngư dân chúng tôi phải tốn khoản kinh phí từ 50 triệu đến 100 triệu đồng, thêm vào đó là các khoản chi phí đi lại đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng nên ngư dân tốn kém khá nhiều song vẫn chưa vay được vốn”.

Mong mỏi lớn nhất của ngư dân vùng biển xã Bình Minh nói riêng và huyện Thăng Bình nói chung bây giờ là cần một câu trả lời xác đáng từ phía các ngân hàng để sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Ngư dân không ra khơi, điều này đồng nghĩa với đời sống của gia đình họ tiếp tục sẽ đối mặt với khó khăn thiếu thốn, trong khi đó mục tiêu cuối cùng của Nghị định 67/2014/NĐ - CP cũng không ngoài việc nâng cao năng lực hiệu quả của nghề cá và thu nhập cho ngư dân.


Đoàn Hữu Trung - Xuân Quỳnh
Vướng mắc khi vay vốn đóng tàu - Bài 1
Vướng mắc khi vay vốn đóng tàu - Bài 1

Thực tế chính sách phát triển thủy sản phát sinh nhiều vướng mắc khiến ngư dân không mặn mà theo đuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN