Cụ thể, tháng trước, Bắc Kinh đã nhập 4,042 triệu tấn dầu thô từ Moskva, tương đương 1 triệu thùng mỗi ngày, tăng 42% so với năm ngoái.
Tính theo năm, nhập khẩu dầu thô từ Saudi Arabia sang Trung Quốc đã giảm 16,5%, xuống mức 961.710 thùng dầu/ngày. Sự sụt giảm này được cho là do Saudi Arabia tăng giá bán chính thức và một số nhà máy lọc dầu lớn của Trung Quốc đóng cửa sửa chữa. Trong khi đó, dầu thô Nga nhập khẩu sang Trung Quốc tăng 30%, tương đương 810.000 thùng dầu/ngày trong 9 tháng đầu năm 2015.
Oman là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 3 Trung Quốc (3,165 triệu tấn) trong khi Angola tụt xuống vị trí thứ 4 (2,9233 triệu tấn) từ vị trí thứ 2 trong tháng trước.
Hồi tháng 5 vừa qua, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 10/2005. Thời điểm đó, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 3,92 triệu tấn dầu từ Nga trong khi con số của Saudi Arabia sang Bắc Kinh ở mức 3,05 triệu tấn.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc chứng kiến lễ ký thỏa thuận năng lượng Nga-Trung hồi tháng 9 vừa qua.
|
Moskva và Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác năng lượng trong những năm gần đây, và hai nước cũng có nhiều dự án chung quy mô lớn.
Tháng trước, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin sang Trung Quốc, Rosneft đã ký thỏa thuận về năng lượng trị giá lên tới 30 tỷ USD với Bắc Kinh. Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin sau đó cho hay các thỏa thuận năng lượng giữa tập đoàn này và các đối tác Trung Quốc sẽ trị giá hơn 500 tỷ USD trong vòng 20 năm tới. Chủ tịch CNPC Wang Yilin cho hay hai bên đã đàm phán việc tăng nguồn cung dầu mỏ từ Nga sang Trung Quốc. Năm 2013, Tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga Rosneft và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký thỏa thuận trị giá 270 tỷ USD trong 25 năm, trong đó Rosneft dự kiến sẽ cung cấp 360,3 triệu tấn dầu sang Trung Quốc.