Dẫn số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Nga, theo Cục Xuất Nhập khẩu, trong 7 tháng năm 2021, trị giá nhập hàng rau quả chế biến mã HS 20 của Nga đạt 599 nghìn tấn, trị giá 746,4 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến bình quân đạt 1.246,0 USD/tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, Nga nhập khẩu hàng rau quả chế biến với lượng chiếm tỷ trọng cao nhất từ thị trường Trung Quốc, tuy nhiên lượng và trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm trong 7 tháng năm 2021, đạt 119 nghìn tấn, trị giá 110,9 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến bình quân từ Trung Quốc ở mức thấp, đạt 935,2 USD/tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là các thị trường như Belarus, Ba Lan, Iran…
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, Việt Nam là thị trường cung ứng hàng rau quả chế biến lớn thứ 6 cho Nga, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm 5% tổng lượng nhập khẩu, cho dù lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh trong 7 tháng năm 2021.
Đáng lưu ý, Việt Nam là đối tác ký Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên với khối Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm, trong đó 59,3% được xóa bỏ. Đây là cơ hội tốt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; trong đó, có hàng rau quả chế biến là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Nga.
Nga nhập khẩu chủng hàng rau quả chế biến mã HS 2009 với lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 119 nghìn tấn, trị giá 186,7 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hơn nữa, Nga nhập khẩu chủng loại này chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Brazil, Hà Lan, Uzbekistan…
Việt Nam cung cấp nhiều nhất chủng loại hàng rau quả chế biến mã HS 2008 cho Nga, chủng loại này Nga nhập khẩu trong 7 tháng năm 2021 đạt 84 nghìn tấn, trị giá 149,8 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam mã HS 2008 chiếm 19,5% tổng lượng trong 7 tháng năm 2021. Tiếp theo là thị trường Thái Lan và Trung Quốc.