Nên lập sàn giao dịch vàng quốc gia?

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, lượng vàng đang còn trong dân khoảng 500 tấn, tương đương 25 tỷ USD - một nguồn lực rất lớn. Làm thế nào để huy động được nguồn lực này? Đó là câu hỏi được đặt ra trong Hội thảo “Thị trường vàng và những vấn đề đặt ra” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam tổ chức sáng qua (15/3).

Vàng trang sức - nhu cầu không thể thiếu

Trong khi giá vàng thế giới liên tục điều chỉnh trong thời gian qua, thì tại Việt Nam, thị trường vàng lại trầm lắng, thanh khoản yếu, nhu cầu mua vàng của người dân sụt giảm. Nguyên do là thông tin Nhà nước sẽ cấm giao dịch vàng miếng đã khiến thị trường gần như “đóng băng”. Hầu hết các nhà đầu tư và người dân đang chờ đợi những điều chỉnh rõ ràng hơn của các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Nghị định về quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ trong quý II/2011.

Khối lượng vàng đang còn trong dân rất lớn. Ảnh: Lê Phú


Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty vàng Ngân hàng Agribank cho biết, từ khi có thông tin không cho giao dịch vàng miếng, số người mua bán vàng giảm mạnh, chỉ còn tương đương 20 – 30% so với trước đây. Nhiều người dân có vàng liên tục gọi điện thoại cho chúng tôi để hỏi về việc quản lý vàng.

Theo ông Trúc, với công nghệ hiện nay thì việc chuyển từ vàng miếng sang vàng trang sức rất đơn giản và không tốn nhiều thời gian. Vì vậy, nếu cấm vàng miếng thì người ta có thể chuyển sang mua vàng trang sức để dự trữ. Do đó, vấn đề là làm sao huy động được lượng vàng còn tồn đọng trong dân vào hệ thống ngân hàng, từ đó tạo ra các nguồn lực cho xã hội.

Ông Trúc dẫn ví dụ ở Mỹ, vàng miếng Kim Thành vẫn bày bán nhưng lượng mua bán rất ít, vì vàng được gửi tại các ngân hàng, tổ chức và giao dịch trên tài khoản, vừa an toàn lại dễ kiểm soát.

Theo ước tính có cơ sở của Hiệp hội Vàng Việt Nam, lượng vàng đang còn trong dân khoảng 500 tấn, tương đương 25 tỷ USD. Đây là một lượng vốn rất lớn, nếu biết cách huy động được nguồn lực này trong dân thì sẽ tạo ra nguồn của cải rất lớn cho xã hội. Hơn nữa, khi các ngân hàng huy động được vàng, họ có thể thế chấp với các tổ chức tín dụng nước ngoài, vay ngoại tệ về cho đất nước.

Đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia

Hầu hết các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng nên thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia, khi đó có thể kiểm soát được lượng vàng trong nước, lại huy động được một nguồn lực lớn cho đất nước.

Nhưng có một vấn đề là hiện chưa có hành lang pháp lý để thực hiện điều này. Theo ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thị trường vàng hiện nay rất sôi động nhưng thiếu hành lang pháp lý, đại bộ phận quy định hiện hành đã cũ, đang phải sửa đổi. Vì thiếu hành lang pháp lý nên sàn vàng ra đời năm 2007 nhưng năm 2010 đã ngừng giao dịch, đây cũng là biện pháp cần thiết để hạn chế rủi ro cho người dân.

Để tạo ra thị trường giao dịch vàng lành mạnh, bà Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Vietinbank cho rằng, việc cấm lưu thông vàng miếng dễ làm xảy ra biến tướng. Vì thế, Việt Nam nên lập sàn giao dịch quốc gia. Như vậy, Nhà nước sẽ quản lý được giao dịch vàng, từ đó, lòng tin của người dân vào đồng tiền sẽ tăng lên, hạn chế bất ổn vĩ mô khi họ tìm đến vàng tự do.

Trước đây, sàn giao dịch vàng có tỷ lệ đòn bẩy tài chính quá cao 90 - 97%, tỷ lệ ký quỹ chỉ từ 5 - 7%. Do vậy, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư đầu cơ, lướt sóng, khiến cho thị trường khó kiểm soát. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập Tạp chí Ngân Hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, khi lập sàn vàng thì các thành viên tham gia là tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng phải ký quỹ 100%, không mua khống, bán khống. Như vậy sẽ kiểm soát được thị trường và hạn chế nhiều rủi ro.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN