Tuy nhiên, trong cùng ngày đó, thị trường hứng khoán Trung Quốc đã phải ngừng giao dịch sớm do cơ chế “tự động ngắt mạch” vì để mất đến 7% giá trị. Tiếp đến các ngày sau đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc cũng không có gì khả quan hơn. Biểu hiện rõ là trong phiên giao dịch ngày 7/1, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị “ngắt” giao dịch chỉ sau vài chục phút mở cửa.
Tác động mạnh bởi TTCK Trung Quốc
Việc lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tác động không chỉ đến nền kinh tế và đồng nhân dân tệ của nước này mà còn ảnh hưởng đến các đồng tiền tại khu vực châu Á, hầu hết đều đi xuống sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ tỷ giá đồng NDT xuống 6,5646 NDT/USD, giảm 0,51% so với ngày 6/1 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015. Đây là phiên thứ 8 liên tiếp PBoC hạ tỷ giá đồng NDT. Nhiều chuyên gia tài chính lo ngại về quyết định hạ giá đồng NDT của Trung Quốc nhằm hỗ trợ xuất khẩu, vì quyết sách này có thể dấy lên làn sóng hạ giá đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế châu Á khác.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do bị tác động bởi TTCK Trung Quốc |
Thực tế cho thấy, sau hai ngày thị trường ngoại tệ tại Việt Nam hạ nhiệt sau quết định của NHNN thì ngày 7 và 8/1, thị trường USD tự do lại có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, sáng ngày 7/1, giá USD trên thị trường tự do tăng lên 22.540 - 22.560 đồng/USD (mua vào - bán ra), đến trưa cùng ngày giá USD tiếp tục tăng thêm 40 đồng là 22.580 - 22.600 đồng/USD; trong khi đó giá USD chính thức dựa trên tỷ giá trung tâm là 21.919 đồng/USD, giá USD do các NHTM niêm yết là 22.470 – 22.540 đồng/USD (mua vào – bán ra). Sáng ngày 8/1, giá USD chính thức tại NHTM có phần hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở giá cao là 22.460 - 22.520 đồng/USD, hạ 10 đồng/USD; còn tại thị trường tự do, tỷ giá USD vẫn không giảm mà tăng thêm 10 đồng/USD là 22.590 - 22.610 đồng/USD.
Theo các điểm kinh doanh thu đổi ngoại tệ tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh), trước sự ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc và sự giảm giá của đồng nhân dân tệ đã khiến giá USD tăng. Nếu tình hình trên không có sự cải thiện, nhiều người dân lo ngại NHNN có thế tiếp tục hạ VNĐ trong thời gian tới. Chính vì thế, lượng người mua USD hai ngày trở lại đây tăng.
Anh Đăng Quân, một trong khách hàng đi mua USD tại cửa hành trên đường Nguyễn Thiệp, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Cách đây 4 ngày, tôi định rút 2.000 USD vì lo ngại cơ chế điều hành tỷ giá sẽ không đem lại lợi nhuận nếu giữ USD lâu dài. Thế nhưng, sự ảnh hưởng của TTCK Trung Quốc khiến tôi lo ngại. Bởi nếu bán đi thì VNĐ có thể bị mất giá, còn giữ USD thời điểm này vẫn có lợi hơn. Do đó, tôi quyết định mua thêm 1.000 USD từ tiền nhàn rỗi của mình trước, rồi chờ xem thế nào…”.
Gửi USD sẽ chỉ rút được VNĐ
Tuy nhiên, theo lộ trình sắp tới của NHNN, thì khách hàng gửi USD có thể bị thu phí và tiến đến việc rút các nguồn thu bằng ngoại tệ hợp pháp ra khỏi ngân hàng phải bằng VNĐ. Chuyên gia kinh tế -TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho biết theo quy định của Khoản 2 Điều 24 Pháp lệnh ngoại hối, chỉ có những ngoại tệ tiền mặt gửi tiết kiệm thì người gửi tiền mới được rút tiền gốc và lãi bằng ngoại tệ tiền mặt.
Còn theo Điều 6 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/09/2004 về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm thì tài khoản tiền gửi tiết kiệm khác với tài khoản tiền gửi. Do đó, căn cứ vào 2 quy định ở trên, với các nguồn thu bằng ngoại tệ hợp pháp được giữ trong các tài khoản tiền gửi có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn, NHNN hoàn toàn có thể cho phép hoặc không cho phép rút nguồn tiền này ra bằng tiền USD hay không mà vẫn phù hợp với các quy định trong Pháp lệnh ngoại hối.
Nhiều người dân đi bán USD để hưởng lợi lãi suất VNĐ |
Tương tự như vậy, việc các ngân hàng thu phí với các khoản tiền gửi USD từ cá nhân hay tổ chức là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp lệnh ngoại hối, Luật các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật có liên quan. Ngoài ra, vì mục tiêu tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá, nâng giá trị VNĐ, tăng nguồn cung USD trên thị trường, điều chỉnh cơ chế tỷ giá linh hoạt, mang tính thị trường hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế, NHNN hoàn toàn có thể thu phí cho các khoản tiền gửi bằng USD vào ngân hàng và tiến đến việc rút các nguồn thu bằng ngoại tệ hợp pháp ra khỏi ngân hàng phải bằng VNĐ.
Trước lộ trình trên, nhiều người dân găm giữ USD lo ngại việc giữ USD thời điểm này tuy có lợi nhưng về lâu dài lại thiệt đôi đường. Vì thế, cũng đã có nhiều người tranh thủ đi bán USD để hưởng chênh lệch giá cao lúc này. Chị Minh Châu, ngụ tại quận 2, cho biết: “Tôi vừa rút 5.000 USD trong ngân hàng đi bán. Trên thực tế, số tiền này là tiền nhàn rỗi và tôi gửi chỉ để phòng thân sau này. Nhưng nếu việc gửi USD sau này bị ngân hàng tính phí, mà rút ra cũng chỉ VNĐ thì tốt nhất tôi nên bán USD gửi tiền Việt để hưởng lãi suất cao hơn, như vậy tính ra lợi hơn gửi USD”.
Theo TS Bùi Quang Tín, với việc điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN, gần đây tính hấp dẫn của ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD đã giảm xuống. Tín dụng bằng ngoại tệ cũng giảm mạnh, kéo theo hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ cũng giảm đáng kể, đồng thời góp phần quan trọng giúp cho vị thế của tiền đồng cũng như niềm tin vào tiền đồng được nâng lên.
Có thể thấy, thành công lớn nhất của các biện pháp chống đô la hóa thể hiện khá rõ khi mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ đã giảm hơn một nửa so với thời điểm 15 năm trước. Cụ thể, cơ cấu sản xuất đã dần được điều chỉnh theo hướng giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là nguyên liệu đầu vào để hạn chế cầu USD. Thể hiện rõ nhất là nhập siêu đã giảm đáng kể trong những năm qua, thậm chí có nhiều tháng Việt Nam chuyển qua xuất siêu.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của các tổ chức tín dụng đã được nâng cao, các tiện ích được mở rộng gắn với việc giao dịch bằng tiền VNĐ như dịch vụ thẻ, điểm thanh toán, cho vay tiêu dùng, … Hay nhiều giải pháp thu hút triệt để ngoại tệ từ các doanh nghiệp, cá nhân, người Việt Nam ở nước ngoài khi mang ngoại tệ vào Việt Nam như mở thêm nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tại các sân bay, cửa khẩu, đã khuyến khích tăng tỷ lệ quy đổi sang tiền VNĐ với số lượng USD lớn.
Thống kê của NHNN cũng cho thấy, cuối năm 2015, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ xoay quanh mức 12%. Với mức tiền gửi ngoại tệ thấp như hiện nay, có thể nói mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ và NHNN đang thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, TS Tín cho rằng với cơ chế tỷ giá mới trong thời gian tới, ngoài việc điều tiết tỷ giá danh nghĩa (tỷ giá song phương) giữa đồng bản tệ và USD thì NHNN vẫn cần quan tâm nhiều hơn đến tỷ giá thực và tỷ giá đa phương (multilateral real exchange rate) nhằm nâng cao tính chủ động và khả năng kiểm soát tiền cơ sở (MB), cung tiền (MS) của NHNN, từ đó cải thiện hiệu quả truyền dẫn của kênh tỷ giá đến tổng cầu hay tổng sản lượng và công ăn việc làm.
Bởi theo nội dung của Quyết định 2730/QĐ-NHNN ngày 31/12/2015, các tiêu chí để xác định tỷ giá trung tâm chưa được NHNN giải thích chi tiết. Do đó, nếu NHNN áp dụng 1 cách triệt để việc sử dụng 3 cấu phần trên thì hoàn toàn có đủ cơ sở để điều hành và kiểm soát tỷ giá USD trong thời gian tới.