Nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả lớn. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho người dân và dành một phần xuất khẩu với doanh thu 30 tỷ USD; cung cấp sinh kế cho 10 triệu hộ nông dân nông thôn; đóng góp khoảng 22% GDP cho nền kinh tế và 23 - 35% giá trị xuất khẩu…
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang trên đà suy giảm; tốc độ tăng năng suất đang chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất manh mún, dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản chưa cao; năng suất lao động lẫn thu nhập đều thấp; sản xuất bấp bênh và giá trị gia tăng còn hạn chế. Bên cạnh đó, tác động của sự cạnh tranh gay gắt do hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hội nghị nhìn nhận, tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh cũng như những vướng mắc và từng bước triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thận trọng, bền vững. Từ đó đưa tỉnh trở thành “hình mẫu” trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước với nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt đến 500 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng/ha/năm; hoa đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm; chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. Nhiều sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Từ những thành công và kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm và vận dụng ở địa phương mình để đảm bảo đầu tư hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu thị trường, xã hội hóa tối đa đầu tư, không bao cấp đầu tư, không chạy theo phong trào, thiếu bền vững.
Tại hội nghị, một số bộ, ngành Trung ương đã tham luận, làm rõ các nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ cao. Đại diện Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, cần tăng cường chất lượng dự báo, đảm bảo sự ổn định của quy hoạch. Bên cạnh đó, để hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, cần minh bạch và hiện đại hóa thông tin thị trường; rà soát hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất cũng như nghiên cứu để sớm ban hành chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất…
Theo Ngân hàng Nhà nước, tại Tây Nguyên, dư nợ theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 177,4 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thiếu thông tin đầy đủ và cập nhật về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao sử dụng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại cho vay, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hay nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai cho vay theo chương trình, nhưng không chạy theo phong trào và sẵn sàng bổ sung thêm nguồn vốn cho trương trình để đáp ứng đầy đủ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tại hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức trao giấy Chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cho Công ty DALAT HASFARM và Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Phú. Đồng thời, trao Quyết định công nhận Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Phiên. Đây đều là những doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh sản xuất tại thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng.