Nâng đỡ doanh nghiệp bằng chính sách thuế

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 17%. Đây là một trong những chính sách mới nhất nhằm hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bên cạnh các chính sách khác liên quan đến xóa nợ, giãn nợ thuế.

Giảm thêm thuế thu nhập

Theo phương án được Bộ Tài chính đưa ra, các doanh nghiệp có tổng doanh thu một năm không quá 20 tỷ đồng và các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 17% kể từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020, thay vì mức 20% như hiện nay. Bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và một số doanh nghiệp về nội dung dự thảo.

Lao động nông thôn làm việc tại doanh nghiệp tư nhân sản xuất cói xuất khẩu Thành Hóa (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế giải thích: Thứ nhất, DNNVV là đối tượng được các nước đang phát triển rất quan tâm, bởi mặc dù quy mô nhỏ nhưng nhóm doanh nghiệp này lại giải quyết được nhiều vấn đề lao động, việc làm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước gần chúng ta như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… cũng đều có chính sách phát triển DNNVV. Thứ hai, các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất khi có biến động về kinh tế.

“Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung vào những DNNVV.”, ông Thi nói.

Trước đây, thuế suất thuế TNDN tại Việt Nam từng ở mức rất cao (32%) và là một trong những trở ngại lớn trong hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các DNNVV. Sau đó, mức thuế suất đã được giảm dần xuống còn 28% (năm 2004), 25% (năm 2009), 22% (năm 2014) và còn 20% kể từ tháng 1/2016. Mức thuế TNDN của Việt Nam hiện khá thấp so với một số nước trong khu vực như (Philippines 30%), nhưng vẫn khá cao so với nhiều nước khác.

Nói về tin vui này, một số doanh nghiệp chia sẻ mức giảm trên dưới 5% được coi là một sự nâng đỡ quan trọng để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Theo ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty Thương mại đặc sản Việt Nam, tuy mức giảm thuế không nhiều nhưng có thể coi là “phao cứu sinh” khi sức lực của DNNVV còn đang yếu.

“Nếu tới đây Nhà nước giảm thuế TNDN xuống còn 17% cho các DNNVV thì doanh nghiệp chúng tôi sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào, có vốn để tái đầu tư mở rộng trong tương lai”, bà Lê Thị Sê, Giám đốc Công ty CP Thanh Hà, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh văn phòng nói.

Một chuyên gia kinh tế nhận định việc giảm thuế TNDN cũng đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước mất đi một nguồn thu. Với gần 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó số lượng DNNVV chiếm tới hơn 90%, thì việc giảm thuế đi 3% sẽ dẫn đến ngân sách bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, ngân sách Nhà nước sẽ có lợi bởi việc giảm thuế thúc đẩy doanh nghiệp thành lập, mở rộng phát triển kinh doanh, tái đầu tư, từ đó tổng nguồn thu sẽ tăng lên. Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức giảm thuế TNDN theo đề nghị nói trên dự kiến sẽ khiến số thu giảm khoảng 473 tỷ đồng, tác động không lớn đến ngân sách.

Tuy nhiên, chính sách giảm thuế cũng cần phải có tiêu chí rõ ràng, thời gian cụ thể và doanh nghiệp phải đạt được một số mục tiêu mới hỗ trợ. Đồng tình quan điểm này, TS Phạm Ngọc Long cho rằng dự thảo có nêu quy định chỉ hỗ trợ doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm, nên có thể sẽ dẫn tới tình trạng gian lận như giấu doanh thu, doanh nghiệp không chịu lớn, không muốn tăng quy mô.

Xóa nợ, giãn nợ thuế

Để gỡ khó cho DNNVV và các hộ kinh doanh cá thể, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ dự thảo đề xuất xử lý xóa nợ, khoanh nợ, giảm nợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại việc này có thể tạo tâm lý chây ỳ, nợ thuế của doanh nghiệp, gây thất thu ngân sách.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, số tiền xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế sẽ tổng cộng vào khoảng 7.963 tỷ đồng; khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh là 6.731 tỷ đồng.

Đánh giá về việc này, đại diện Hiệp hội DNNVV nói: “Thứ nhất, việc giãn hoãn là cần thiết bởi có những doanh nghiệp họ không nộp thuế được vì những lý do chính đáng. Thứ hai là các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn thật sự, nếu không giãn, hoãn cũng không thu được. Thứ ba là khi giảm thuế, có thể có doanh nghiệp có lãi họ lại nộp được thuế TNDN”.

Một số chuyên gia trong ngành thuế cũng đồng tình vì có những khoản nợ cách đây vài năm, những khoản nợ không thể thu hồi nhưng cơ quan thuế vẫn treo nợ và gốc. Phía doanh nghiệp bị treo nợ thì tất cả các thủ tục xuất nhập khẩu bị dừng, doanh nghiệp không thể sản xuất kinh doanh được. Vì vậy, Tổng cục thuế nên rà soát, xem xét lại để xóa đi một số khoản. Tuy nhiên, chủ trương giãn, hoãn, xóa khi triển khai thì phải xem xét công khai, minh bạch và giải quyết chính xác. Hiện Tổng cục thuế có Cục quản lý nợ, vậy ở địa phương, trước khi trình lên UBND thì chuyển dữ liệu lên để Tổng Cục thuế, Cục quản lý nợ rà soát, đánh giá chính xác, xử lý nợ, đảm bảo bình đẳng, công bằng”, nguyên lãnh đạo Tổng cục thuế chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:

Chỉ giảm thuế thì chưa hiệu quả Chính sách giảm thuế là một phần, ngoài ra thì cần có thêm những biện pháp khác như: hỗ trợ kỹ thuật, thị trường, thông tin, cơ sở hạ tầng. Ví dụ, với những sản phẩm làm ra ở nơi rất xa, nếu không có hạ tầng, giao thông thì sẽ không đưa hàng hóa về những nơi thị trường có tiêu thụ được. Nhưng khi hạ tầng giao thông phát triển thì doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa. Chính phủ đang triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 nhằm cải cách các thủ tục hành chính, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đây cũng là giải pháp hết sức cần thiết bên cạnh các nỗ lực về giảm thuế thuế, giảm lãi suất và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng…


Minh Phương - Xuân Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN