Từ khi Chương trình OCOP đi vào đời sống, các sở, ngành, địa phương tại Cà Mau lồng ghép và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm. Song hành sự chủ động của ngành chức năng, nhân dân đã cùng chung tay tham gia thực hiện chương trình.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tiến tới phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đây là tiền đề quan trọng để Cà Mau triển khai thành công Chương trình OCOP mà địa phương đang hướng tới.
"Chìa khóa" về lợi thế cạnh tranh
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, con tôm và cây lúa là những ngành hàng chủ lực của huyện Thới Bình. Với những định hướng đó, những năm qua, huyện Thới Bình nỗ lực xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ kết hợp với nuôi tôm sinh thái, không chỉ giúp nông dân nâng cao giá trị, giảm giá thành sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, phù hợp với xu thế người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sản xuất bền vững.
Với lợi thế là địa phương có diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm chiếm gần 50% tổng diện tích của toàn tỉnh, huyện Thới Bình đang xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch, kết hợp với nuôi tôm càng xanh được khoảng 14.000 ha; vùng lúa - tôm đặc sản an toàn, lúa - tôm chất lượng cao với các giống ST20, ST24, quy mô khoảng 3.000 ha, tập trung ở các xã Trí Phải, Trí Lực, Thới Bình, Biển Bạch Ðông. Song song với quá trình xây dựng thương hiệu lúa sạch, Thới Bình đang xây dựng thí điểm mô hình lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm bước đầu mang lại hiệu quả với hơn 327 ha tại các xã Thới Bình, Trí Lực và Tân Lộc Bắc.
Với hiệu quả mang lại, cuối năm 2018, địa phương này đã xây dựng Đề án bảo hộ nhãn hiệu "Lúa sạch Thới Bình", với mục tiêu đạt từ 10.000 - 20.000 ha mỗi năm, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp chứng nhận.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, nhờ sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá lúa cao hơn thị trường từ 500-700 đồng/kg.
Mục tiêu của đề án đặt ra là đến cuối năm 2020, huyện Thới Bình phải tiêu chuẩn hoá ít nhất 6 sản phẩm trên địa bàn huyện; trong đó có 4 sản phẩm thực hiện theo kế hoạch của tỉnh và huyện phấn đấu thêm 2 sản phẩm; công nhận, chứng nhận ít nhất 1 sản phẩm đạt 3-4 sao; phát triển, nâng cấp ít nhất 2 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tỉnh Cà Mau ưu tiên tập trung vào nhóm sản phẩm lương thực (lúa sạch); phát triển đàn lợn, gia cầm và rau sạch; rau màu; tôm sinh thái.
Cụ thể, Cà Mau sẽ khuyến khích nông dân sản xuất lúa sạch, tiến tới hình thành cánh đồng lớn, phấn đấu mỗi năm cung cấp 100.000 tấn gạo sạch cho người tiêu dùng. Khuyến khích phát triển đàn lợn với mục tiêu đạt 300.000 con trong năm nay, bảo đảm đủ cung ứng cho người tiêu dùng trong tỉnh; phát triển đàn gia cầm đạt 1 triệu con, với đầy đủ quy trình khép kín từ khâu chọn con giống, đầu ra đều phải thông qua sự giám sát của cơ quan chức năng.
Cà Mau cũng đặt mục tiêu diện tích trồng hoa màu 50 ha với tiêu chí sạch, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng; tập trung phát triển vùng nuôi tôm sinh thái, an toàn sinh học tại một số huyện trong tỉnh như Thới Bình, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển…
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng màu, ông Nguyễn Văn Lộc (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) cho biết, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay là chuộng các sản phẩm được sản xuất sạch, không hoặc chịu rất ít sự tác động của phân – thuốc.
“Chúng tôi đã đề xuất với chính quyền địa phương liên hệ với doanh nghiệp, ký hợp đồng cung cấp nông sản sạch, góp phần tìm đầu ra ổn định và nâng cao giá trị nông sản do nông dân làm ra”, ông Lộc chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững thông tin, địa phương xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Do đó, việc chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, lãnh đạo địa phương và người dân phải nhìn nhận rõ nét về thế mạnh, đặc trưng của sản phẩm chủ lực để định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp với từng địa phương.
Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP để huy động, phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia thực hiện thành công mục tiêu của đề án.
Chương trình này đang được đặt nhiều kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới góp phần đổi thay đời sống nhân dân, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Chú trọng tính bền vững
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi mà tỉnh Cà Mau đang hướng tới. Bởi ngoài mục đích phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, thì việc gia tăng các giá trị từ nông nghiệp, có sức hút đối với thị trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay đang là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau.
Thời gian qua, Cà Mau đang tích cực triển khai thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm.
Theo ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, Dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Nhờ tăng cường các giải pháp chuyển giao kỹ thuật mà giờ đây nông dân Cà Mau hiểu biết và chủ động lựa chọn những cách thức sản xuất mới mang tính bền vững, ít rủi ro và thân thiện với môi trường; trong đó, lúa - tôm là một trong những lựa chọn được ưu tiên.
Thực tế sản xuất cho thấy, gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra xung đột mà bổ trợ cho nhau, giúp lúa ít bệnh hơn so với độc canh cây lúa và ngược lại, con tôm cũng ít bệnh hơn so với chỉ chuyên nuôi tôm.
Theo ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, khi phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các mô hình, ngành chức năng tổ chức thực hiện theo chuỗi khép kín. Phải có một doanh nghiệp tham gia đầu tư từ đầu đến cuối và bao tiêu sản phẩm; cơ quan quản lý nhà nước tập trung hỗ trợ cho chuỗi giá trị này; có vậy thì mô hình mới mang lại hiệu quả bền vững được.
Năm qua, đã có 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 hợp tác xã, tổ hợp tác, với khoảng 800 hộ dân Cà Mau. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.
Tuy vậy, khó khăn là hệ thống thủy lợi hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, khả năng huy động các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất còn thấp, việc tổ chức còn manh mún, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thực tế vẫn còn hạn chế.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau nhận định, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, tỉnh Cà Mau đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người sản xuất “gặp gỡ” doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu để sản phẩm lưu thông tốt.
Trong thời gian sắp tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như trích ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải và công nghệ thông tin, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và khâu sản xuất giống, chế biến thủy sản, nông sản và lâm sản… tăng tích lũy, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Theo đó, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng cho 4 ngành hàng chủ lực là tôm, cua, lúa và gỗ, gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Ngoài ra, để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Cà Mau còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác như tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất…
Bài cuối: Triển vọng cho kinh tế nông thôn