Hoạt động trên nhằm góp phần đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đây là hoạt động nằm trong chuổi sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 tại tỉnh Cà Mau.
Tại buổi tập huấn, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Tiến sĩ Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương thông tin đến các học viên những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023, đặc biệt là xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo đúng quy trình và theo trình tự các bước quy định.
Trình bày tổng quan về Chương trình OCOP Việt Nam, ông Phương Đình Anh phân tích tầm quan trọng của Chương trình OCOP, phát triển sản phẩm địa phương, nâng cao năng lực chủ thể, khai thác giá trị để tạo sức cạnh tranh theo hướng tạo nên sự đặc sắc, khan hiếm và sự khác biệt; đồng thời chia sẻ cách phân biệt những sản phẩm nào có thể tham gia OCOP, cách thức phát triển sản phẩm OCOP trên nền tảng các sản phẩm đang có và phát triển sản phẩm mới.
Mặt khác, các địa phương, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển bao bì sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP; thay đổi tư duy, nhận thức của chủ thể; hướng dẫn đồng hành cùng chủ thể; xác định và tạo kế hoạch trọng tâm, từ đó lựa chọn điểm nhấn, xây dựng sản phẩm điển hình.
Cũng tại buổi tập huấn, Văn Phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương còn thông tin, phổ biến chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình OCOP Việt Nam; trong đó, quan điểm của Đảng ta đã khẳng định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; phát triển chủ thể OCOP có thương hiệu theo chuỗi giá trị; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò của cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP.
Đến nay, cả nước có trên 10.880 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, với 5.610 chủ thể OCOP. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, trong khi đó nguồn lực triển khai chủ yếu là lồng ghép, cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ. Sự tham gia của các chủ thể chưa được chủ động; công tác xúc tiến thương mại chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc; công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và đẩy mạnh.
Cà Mau hiện có 145 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao (thuộc một số phân nhóm sản phẩm chế biến từ gạo, ngũ cốc, củ, quả, hạt; chế biến từ thịt, thủy sản, mật ong; gia vị; đồ uống có cồn…).
Đối với sản phẩm OCOP 4 sao, các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận quản lý chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có nguồn truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Ngoài ra, tỉnh có 110 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 28 sản phẩm được công nhận cấp khu vực và 15 sản phẩm cấp quốc gia.