Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 xác định: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Do vậy, cần có biện pháp quản lý minh bạch, chặt chẽ, để đảm bảo cho khu vực DN này sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả để phát triển.
Quản lý vốn - chưa rõ, quá tải...
Theo quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước hiện hành, vốn nhà nước đang được phân cấp: Vốn nhà nước tại các DNNN đã cổ phần hóa do Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm chủ sở hữu. Còn các DN có quy mô vốn lớn như các tập đoàn, tổng công ty do Chính phủ làm chủ sở hữu.
Sản xuất chế biến tôm tại các doanh nghiệp xuất khẩu-Ảnh internet |
Quy định về quyền tự chủ trong hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) tại các DNNN đang có 2 ngưỡng, từ 30% đến 50% tổng tài sản (vốn) của doanh nghiệp. Các dự án đầu tư có giá trị vượt trên 50% tổng tài sản DN sẽ do Thủ tướng quyết định.
Ông Phạm Công Tham, Trưởng Ban Quản lý hành nghề, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, với cơ chế phân cấp quản lý vốn nêu trên, khi HĐQT được quyết định với mức vốn lớn rất có thể dẫn tới rủi ro đối với vốn nhà nước. Trường hợp đầu tư của Vinashin là ví dụ.
Thực tế đang có rất nhiều DN có quy mô vốn rất lớn như: Tập đoàn Than và Khoáng sản, Điện lực, Dầu khí... vốn lên hàng chục nghìn tỉ đồng nên việc HĐQT được quyết dự án đầu tư bằng 30% vốn tập đoàn, tổng công ty là quá lớn. Do đó, cần phải quy định cụ thể các tỉ lệ %vốn mà HĐQT được quyết căn cứ trên quy mô vốn của DN để giảm thiểu rủi ro có thể.
Thứ hai, là cần phải "phân vai" rõ về chủ sở hữu. Theo quy chế nêu trên thì “đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước” là các cơ quan được Chính phủ phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu bao gồm: Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ”.
Tuy nhiên, trên thực tế Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình đối với rất nhiều công việc khó có thể thực hiện hết vai trò người đại diện.
Đơn cử như trường hợp quản lý vốn nhà nước tại các công ty cổ phần do SCIC quản lý. Bởi với lực lượng nhân sự khá mỏng lại phải quản lý vốn nhà nước tại hàng nghìn DN thì chỉ riêng việc quản lý tài chính DN cũng đã quá tải, chưa nói đến việc hoạch định chiến lược, quyết định kế hoạch đầu tư, kinh doanh cùng DN.
Cổ phần hóa và bình đẳng
Nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị, trong khi các cơ chế giám sát chưa hoàn thiện, giải pháp khả thi nhất để nâng cao năng lực DNNN và khuyến khích khối này sử dụng vốn hiệu quả thì phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa (CPH).
Nhà nước chỉ cần giữ lại các DN hoạt động trong các lĩnh vực then chốt. Thậm chí Nhà nước cần tiếp tục hạ tỉ lệ nắm vốn xuống dưới 51% tại các DN CPH để kích thích sự phát triển cho DN.
Ông Tham cho rằng, việc Nhà nước nắm 51% vốn tại các DN CPH có thể gây ra các trở lực không mong muốn. Nếu sở hữu tư nhân trong DN đã CPH lớn hơn vốn nhà nước, người lao động trong DN sẽ phấn khởi cống hiến bởi làm ra càng nhiều lợi nhuận họ sẽ được hưởng nhiều.
Nếu không, không loại trừ trường hợp DNNN hoạt động trong những ngành có nhiều lợi nhuận, người có quyền ở DN này sẵn sàng lập "sân sau" để chuyển hợp đồng, lợi nhuận.
Thứ hai, cần phải đẩy mạnh việc giám sát quản lý vốn nhà nước. Ví như quy định DNNN phải kiểm toán, nhưng Luật Kiểm toán chưa bắt buộc phải kiểm toán các khoản ngoại trừ của DN. Trong nhiều trường hợp, khoản ngoại trừ lại là khu vực tiềm ẩn rủi ro của DN. Nếu các khoản ngoại trừ không được làm rõ, được cộng dồn vào các năm, đến lúc nào đó sẽ khiến DN phá sản.
Khắc phục tình trạng "trống vai" trong việc quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Thủ tướng Chính phủ cần thành lập riêng một ủy ban chuyên trách việc quản lý vốn tại các DN này.
Cơ quan chuyên trách này có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng thẩm định, đánh giá hiệu quả các dự án trước khi quyết định đầu tư. Thẩm định đối với cả các dự án do HĐQT định quyết định chứ không chỉ riêng các dự án có giá trị vượt 50% tổng tài sản DN.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước nói chung và hiệu quả của DNNN nói riêng cần tập trung vào 3 khâu chính:
Trước hết về phương thức nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước, đó là đẩy nhanh chương trình CPH DNNN. Thứ hai là sớm hoàn thiện Luật Sử dụng vốn nhà nước. Và thứ ba là tạo "sân chơi" bình đẳng trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước.
Xuân Hương