Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Tại Văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Chú thích ảnh
Đại biểu Thạch Phước Bình  (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh).

Văn bản nêu rõ: Trong giai đoạn 2011 - 2015 hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện. Hệ số suất đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã giảm dần trong từng giai đoạn. Nếu so sánh với giai đoạn trước, những năm đầu giai đoạn 2016 - 2020 hệ số ICOR có xu hướng cao hơn, cụ thể: ICOR bình quân (tính theo giá so sánh năm 2010) năm 2016 là 6,41, năm 2017 giảm nhẹ còn 6,21, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,05, giai đoạn 2006 - 2010 là 5,18.

Tuy nhiên, hệ số ICOR thường tính theo khoảng thời gian hay theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào các yếu tố như sự thay đổi công nghệ hay tỷ lệ kết hợp giữa vốn và lao động. Hiệu quả đầu tư thể hiện bằng hệ số ICOR được cơ quan thống kê Việt Nam tính toán cho toàn bộ nền kinh tế bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ số ICOR không tính theo thành phần kinh tế, do vốn đầu tư công chủ yếu được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng. Do vậy không thể đánh giá hệ số ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả.

Tùy từng giai đoạn mà hệ số ICOR có sự tăng giảm theo đặc trưng của nền kinh tế hay các ảnh hưởng trong phạm vi quốc gia và ảnh hưởng của thương mại quốc tế. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công như ban hành Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công,... Chính những nỗ lực này đã góp phần hạn chế đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Không chỉ có khu vực đầu tư công mà các khu vực khác như FDI, tư nhân,... Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất từ đó giảm hệ số ICOR. Do vậy trong những năm gần đây, tỷ lệ vốn đầu tư công chiếm trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng thấp đi, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài, đầu tư công sẽ đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.

Những tồn tại, hạn chế trong đầu tư công là do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do tác động ảnh hưởng từ những biến động xấu của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước suy giảm, tổng cầu yếu, dẫn đến việc huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn. Các tồn tại, bất cập về đầu tư công trong giai đoạn trước chưa thể xử lý dứt điểm ngay trong ngắn hạn; các dự án, chương trình cũ, tồn đọng từ trước vẫn cần phải tiếp tục xử lý, sắp xếp; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước giảm mạnh, không đáp ứng được yêu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội...

Nguyên nhân chủ quan là do thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, và hoàn thiện; chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công; vẫn còn lúng túng trong việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, cách hiểu và cách tiếp cận thực hiện của các bộ, ngành và địa phương còn khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian để thống nhất cách tiếp cận, đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư công...

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương phải nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành....

Các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án; chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư....

Về đầu tư khu vực tư nhân và dân cư, các bộ, ngành và địa phương cần khuyến khích đầu tư tăng cường trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển những sản phẩm có giá trị cao; đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ; thu hút chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh và phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế của từng ngành, từng vùng; đặc biệt thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới; tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư; tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)...

TTXVN/Báo Tin tức
Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN