Đây sẽ là mức cao nhất kể từ năm 1946 do các khoản chi lớn của Mỹ nhằm ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo báo cáo cập nhật triển vọng ngân sách của CBO, nợ chính phủ của Mỹ dự kiến tăng mạnh lên mức tương đương 98% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong tài khóa 2020, trước khi vượt mức 100% GDP trong tài khóa 2021 và lên tới 107% GDP trong tài khóa 2023, mức cao nhất trong lịch sử nước này.
Trong khi đó, CBO dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lên tới 3.300 tỷ USD trong tài khóa 2020, tương đương 16% GDP, mức cao nhất kể từ năm 1945. Sự gia tăng thâm hụt ngân sách nói trên của Mỹ chủ yếu do hoạt động kinh tế gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các khoản chi để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình kinh doanh trì trệ và hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.
Trước đó, theo báo cáo gần đây của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường BofA Global Research, tổng nợ của các doanh nghiệp Mỹ, dưới hình thức trái phiếu hoặc khoản vay, đang ở mức cao kỷ lục 10.500 tỷ USD, tăng gấp 30 lần so với mức tương ứng cách đây khoảng nửa thế kỷ.
Tính tới nay, khoản nợ lớn nhất thuộc về các công ty Mỹ có xếp hạng tín dụng về “cấp độ đầu tư” cao, từ AAA đến BBB, một phân khúc thị trường mà tổng giá trị các khoản vay đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, lên khoảng 7.200 tỷ USD.
Còn trong báo cáo mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh ước tính mức giảm của kinh tế nước này trong quý II/2020 xuống 31,7% thay vì 32,9% được công bố trước đó, giữa lúc Mỹ vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng COVID-19.