Mỹ Latinh trước thách thức lớn: chặn lạm phát, thúc tăng trưởng

Sự rớt giá nhanh chóng của các hàng hóa nông sản trong những tháng gần đây khiến cho các nền kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng thêm ì ạch.

"Thắt lưng buộc bụng" và cắt giảm ngân sách đang trở thành những biện pháp phổ biến mà các nền kinh tế lớn trong khu vực này sử dụng để đối phó với những thách thức như lạm phát leo thang và đồng nội tệ yếu đi.

Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh - đang tiến hành một loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu, song thực hiện chúng một cách thận trọng nhằm tránh dẫn tới nguy cơ suy thoái. Vấn đề hóc búa đối với Chính phủ Brazil là kiềm chế lạm phát song song với việc duy trì lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng real của Brazil trong tháng 2/2015 đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua, song chính phủ nước này không quá quan ngại về điều đó, bởi đồng nội tệ yếu đi cũng hỗ trợ xuất khẩu và góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Nông dân Brazil thu hoạch cam để xuất khẩu. Ảnh: Reuters.


Trong báo cáo triển vọng kinh tế năm 2015 vừa công bố, nhà phân tích Alberto Ramos thuộc Goldman Sachs Global Investment Research dự báo kinh tế Brazil năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 0-0,5%, với tỷ lệ lạm phát tương đối cao khoảng 6-6,5% và đồng real sẽ tiếp tục giảm. Brazil được dự báo sẽ vẫn chật vật trong việc tiếp thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2016, song triển vọng trong dài hạn vẫn tích cực.

Trong khi đó, Mexico hôm 31/1 đã tuyên bố cắt giảm ngân sách, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, trong bối cảnh doanh thu từ dầu mỏ giảm. Theo công ty nghiên cứu kinh tế Focus Economics có trụ sở tại Barcelona (Tây Ban Nha), lòng tin tiêu dùng giảm 2,5 điểm trong tháng 1/2015, trong khi lạm phát tính theo mức hàng năm giảm xuống xấp xỉ mức thấp nhất trong gần bốn năm qua là 3,1%. Tuy nhiên, nền kinh tế này dự báo sẽ được lợi từ sự phục hồi của kinh tế Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Mexico.

Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh, vẫn chưa đạt được tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán với các chủ nợ nước ngoài sau khi bị vỡ nợ (về mặt kỹ thuật) hồi giữa năm ngoái. Trong khi đó, nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ Venezuela điêu đứng vì giá dầu thô rớt xuống mức thấp kỷ lục.

Trong bối cảnh đồng nội tệ bolivar nằm trong số những đồng tiền mất giá nhiều nhất trong khu vực, Venezuela kiểm soát chặt chẽ tỷ giá đồng USD, song điều này cũng làm cho giao dịch đồng USD trên thị trường chợ đen gia tăng nhanh chóng, khiến đồng bolivar thêm rớt giá. Chính phủ Venezuela đã phải đưa ra hệ thống tỷ giá ba cấp để ngăn chặn hoạt động trên thị trường chợ đen và đồng thời làm tăng dòng lưu chuyển vốn.


Như Mai (Theo THX)
Mỹ Latinh nhận nguồn tín dụng lớn từ Trung Quốc
Mỹ Latinh nhận nguồn tín dụng lớn từ Trung Quốc

Trong năm qua, các nước khu vực Mỹ Latinh tiếp tục là điểm đến của các khoản tín dụng lớn từ Trung Quốc. Cụ thể, các thể chế tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã cấp 22,1 tỷ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN