Các mặt hàng trong nhóm năng lượng cho thấy diễn biến trái chiều giữa sức ép từ nguồn cung và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Trong khi đó, yếu tố cung cầu gây bất lợi cho giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông sản đã thúc đẩy lực bán của giới đầu tư. Với bối cảnh thông tin thị trường đa dạng, giới đầu tư vẫn tăng cường tìm kiếm lợi nhuận, giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức trung bình 4.500 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, dòng tiền của nhóm năng lượng và nông sản chiếm đến gần 80% tổng giá trị giao dịch.
Giá dầu phục hồi trước loạt sức ép từ nguồn cung
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu WTI tăng 0,75% lên 108,43 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 2,32% lên 111,63 USD/thùng.
Thông tin các nước thuộc khối G7 đề nghị thiết lập mức trần giá cho dầu nhập khẩu từ Nga đã gây ra lo ngại về việc Nga sẽ tiến hành “trả đũa”, gây sức ép lên giá dầu. Bên cạnh đó, một loạt các sự cố tại Ecuador, Libya và mới đây nhất là hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu của Na Uy cũng là nguyên nhân hỗ trợ cho đà tăng của giá. Hiện tại, nguồn cung dầu tương đương gần 2 triệu thùng/ngày đang bị gián đoạn, và là một yếu tố đẩy giá dầu tăng lên trong tuần qua.
Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ trong tuần vừa rồi kết thúc mà không có thay đổi so với kế hoạch, cho thấy triển vọng bổ sung sản lượng dầu trong thời gian tới khá mong manh. Hơn thế nữa, giàn khoan của Mỹ chỉ tăng 1 trong tuần vừa rồi, cho thấy khả năng sớm tăng sản lượng của Mỹ là rất thấp, bất chấp sự thúc giục của chính phủ. Nguyên nhân là do nhiều công ty tập trung nhiều hơn vào việc trả lại tiền cho các nhà đầu tư và trả nợ hơn là thúc đẩy sản lượng.
Kim loại quý chịu áp lực bán lớn
Trên bảng giá nhóm kim loại, các mặt hàng kim loại quý đều đã có ít nhất ba tuần giảm liên tiếp với giá bạc giảm 7,05% về 19,67 USD/ounce, giá bạch kim giảm 3,54% còn 871,3 USD/ounce. Vàng là kim loại quý có mức giảm khiêm tốn nhất, chỉ 0,88% về 1810 USD/ounce. Những lo ngại về suy thoái kinh tế khi các Ngân hàng Trung ương mạnh tay tăng lãi suất khiến cho các mặt hàng kim loại quý chịu sức ép bán lớn.
Các số liệu kinh tế của Mỹ được công bố trong tuần vừa qua như chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) hay chỉ số quản lý thu mua (PMI) đều không quá tích cực, và có thể là chỉ báo sớm cho sự suy yếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì thế, tâm lý của các nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn và gia tăng sức bán đối với các mặt hàng kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá các mặt hàng có sự phân hoá rõ ràng hơn. Giá đồng có tuần giảm thứ tư liên tiếp, với mức đóng cửa thấp hơn 3,75% còn 3,6 USD/pound. Trái lại, giá quặng sắt tăng 1,01% lên 114,06 USD/tấn.
Trong tuần vừa qua, số liệu về PMI tháng 6 của Trung Quốc đã quay trở lại mức 50, cho thấy sự tăng trưởng trong các hoạt động sản xuất. Diễn biến giá cho thấy, những thông tin này hỗ trợ cho giá quặng sắt nhiều hơn, bởi thị trường quặng sắt thường sẽ nhạy với các tin tức tích cực của Trung Quốc hơn so với thị trường đồng. Tuy nhiên, mức giảm mạnh của giá đồng và mức tăng có phần khiêm tốn của giá quặng sắt vẫn cho thấy ảnh hưởng tiêu cực từ những lo ngại về suy thoái.
Thị trường nông sản đỏ lửa
Đóng cửa tuần, giá đậu tương tiếp nối đà suy yếu trong 2 tuần trước đó, song mức giảm đã dần được thu hẹp. Giá mặt hàng này đã có lúc phục hồi vào đầu tuần và kiểm định lại mức kháng cự ở vùng giá 1460 cents do kỳ vọng của thị trường trước báo cáo Diện tích Gieo trồng. Tuy nhiên, giá lại không thể duy trì được đà tăng và chịu áp lực bán mạnh do những lo ngại về nguồn cung toàn cầu dần được xoa dịu.
Tương tự với đậu tương, khô đậu tương và dầu đậu tương cũng có 1 tuần giao dịch đóng cửa trong sắc đỏ. Sự lao dốc của giá dầu và giá dầu cọ cọ đã phần nào tác động gián tiếp lên đà giảm của giá dầu đậu. Không chỉ vậy, hoạt động xuất khẩu dầu cọ tại Malaysia trong tháng 6 gặp nhiều khó khăn do Ấn Độ và châu Âu giảm nhu cầu về dầu thực vật. Cụ thể, theo ước tính của công ty khảo sát hàng hóa SGS, xuất khẩu dầu cọ trong tháng 6 của nước này là hơn 1,2 triệu tấn, giảm 7,4% so với mức 1,3 triệu tấn trong tháng 5. Nhu cầu sử dụng dầu thực vật đang dần suy yếu đã gây áp lực lên giá dầu đậu trong tuần qua.
Giá ngô đã ghi nhận tuần thứ 2 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ với mức sụt giảm hơn 10%. Những số liệu từ các báo cáo quan trọng do Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA phát hành trong tuần trước là yếu tố đã thúc đẩy lực bán đối với giá.