Mưu sinh mùa lũ muộn - Bài cuối: Phòng, chống xâm nhập mặn

Sau thời gian dài chờ đợi, nước lũ đổ về mang theo phù sa và tôm cá đã phần nào khiến người dân miền Tây Nam bộ vui mừng. Tuy nhiên, một dự báo đầy khó khăn được cơ quan chức năng đưa ra là lũ về rất nhỏ, nguy cơ xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất của vựa lúa lớn nhất cả nước, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) mở cống xả lũ đón phù sa cho 90.000 ha đất lúa. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Nếu như những năm trước đây, thời điểm này đã vào giữa mùa lũ, nhưng hiện tại nước lũ chỉ mới đổ về và mực nước đang ở rất thấp. Trên các cánh đồng vùng lũ ở Đồng Tháp, Long An… dù nước đã tràn vào nhưng bằng mắt thường vẫn có thể quan sát thấy những bờ ruộng cỏ mọc.

Những ngày tới, chưa có tín hiệu cho thấy mực nước sẽ tăng lên. Việc nước đổ về thấp không chỉ kéo theo nguồn lợi thủy sản ít đi mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc sản xuất, sinh kế của người dân.
 
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về môi trường Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa ở thượng nguồn thấp khiến sông Mekong có mực nước thấp, kéo theo đó là lượng nước đổ về sông Cửu Long ít, lũ về nhỏ.

Điều đáng lo ngại là nếu lượng mưa ít và lũ về nhỏ thì nguy cơ xâm nhập mặn sẽ gia tăng, ảnh hưởng sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đồng thời, lượng phù sa đổ về cũng ít đi, không đủ bồi tụ cho ruộng đồng.
 
Cùng quan điểm đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, năm 2019, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất nhỏ. Cơ quan này nhận định nguồn nước mùa khô 2019 - 2020 sẽ ít thuận lợi, nguy cơ xâm nhập mặt sớm và hạn hán thiếu nước có thể xả ra.

Mặn sẽ xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng. Đến khoảng tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng các cống lấy nước phạm vi cách biển đến 30- 35 km. Sang tháng 1 và 2/2020, ranh mặn 4g/l có khả năng lấn sâu vào nội địa từ 45 – 55 km tùy từng vị trí cửa sông.
 
Với nhận định nguồn nước thấp và xâm nhập mặn đến sớm, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo có khoảng gần 129.000 ha lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh… có nguy cơ bị ảnh hưởng.
 
Cơ quan này khuyến cáo các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp.
 
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; trong đó, xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
 
Các địa phương bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2019-2020 trong tháng 10/2019 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiếntranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt....
 
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án đối phó với các diễn biến xấu của thời tiết, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập mặn sớm.

Tỉnh đang xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; tiến hành xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
 
Về biện pháp lâu dài ứng phó với tình hình mực nước sông Mekong nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung, Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, chuyên gia nghiên cứu môi trường Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động hơn việc sử dụng nguồn nước không nên để quá phụ thuộc nguồn nước từ thượng nguồn.

Điều này cần có một hệ thống công trình và phi công trình đề chống lũ, chống hạn hán và xâm nhập mặn; đồng thời, bảo đảm nguồn nước sạch cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cơ bản của người dân chứ không phải chỉ là những khuyến cáo nên trồng gì, nuôi gì như chính sách hiện nay.

Bùi Giang - Công Mạo - Chương Đài (TTXVN)
Mưu sinh mùa lũ muộn - Bài 2: Mở đồng đón phù sa
Mưu sinh mùa lũ muộn - Bài 2: Mở đồng đón phù sa

Dù nước lũ tràn về muộn và thấp hơn so với các năm trước, nhưng các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng khai thác được phần nào để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An… đang triển khai kế hoạch ứng phó với lũ, bảo đảm sản xuất, đồng thời tiến hành xả đồng đón lũ nhằm bồi tụ thêm phù sa, cải tạo đất và vệ sinh đồng ruộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN