Mưa lớn kéo dài làm chậm tiến độ thu hoạch, năng suất lúa sụt giảm

Vụ lúa hè thu năm 2024, tỉnh Bạc Liêu xuống giống trên 58.00 ha, tập trung ở các huyện: Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân. Thời điểm này, nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch rộ lúa hè thu 2024. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các cơn mưa lớn kéo dài liên tục không chỉ làm chậm tiến độ thu hoạch mà năng suất và chất lượng lúa của nông dân cũng bị giảm.

Chú thích ảnh
Các trà lúa hè thu bị đổ ngã do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài.

Ghi nhận tại huyện Vĩnh Lợi, một trong địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, những ngày này, bà con đang tập trung bơm tát tháo nước trên đồng để khi mưa ngớt, nắng lên sẽ đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa ngay.

Ông Nguyễn Quang Thưởng ở ấp Bà Chăng B, xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) cho biết, vụ này gia đình sản xuất được 3 ha lúa. Hiện các trà lúa đang vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch nhưng do bị ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến nhiều diện tích lúa của gia đình bị đổ ngã, ngập sâu trong nước. Lúa bị đổ ngã, ngập sâu làm giảm năng suất, mất giá. “Vụ này coi như từ huề tới lỗ” - ông Thưởng buồn bã nói.

Theo ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi, vụ Hè Thu năm nay trên địa bàn xuống giống được hơn 17.000 ha với các giống lúa chủ yếu như ST, RVT, OM18, Đài thơm 8… Lũy kế đến nay đã thu hoạch được hơn 6.000 ha. Năng suất trung bình đạt từ 5,5 - 6 tấn/ha.

Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi Tô Thanh Hải, trong mấy ngày qua là cao điểm của thu hoạch lúa trên địa bàn. Trên địa bàn huyện hiện có gần 200 máy gặt đập liên hợp, khi nắng tốt, mỗi ngày có thể thu hoạch từ 800 - 1.000 ha.

Tuy nhiên, do mưa kéo dài liên tục khiến cho việc thu hoạch tạm ngưng, chờ dứt mưa là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Giá lúa hiện nay cũng đang giảm, tình trạng thương lái “bỏ cọc” lúa cũng xảy ra tại nhiều hộ dân.

Hiện ngành nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi tình hình thu hoạch, giá cả để hỗ trợ nông dân khi cần thiết và tổng hợp các trà lúa bị thiệt hại do tình hình mưa bão vừa qua để báo cáo UBND huyện; tích cực vận hành tất cả các cống thoát nước, vận động nhân dân tập trung bơm tát để bảo vệ trà lúa Hè Thu trong giai đoạn thu hoạch.

Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng những trận mưa lớn vừa qua đã làm đổ ngã, ngập úng rất nhiều diện tích lúa Hè Thu của người dân tại các địa phương, thu hoạch chậm, năng suất giảm và giá bán thấp so với các vụ sản xuất trước khiến nông dân “đứng ngồi không yên”.

Còn tại các huyện Hòa Bình, Phước Long, do mưa bão kéo dài, khiến cho việc thu hoạch gặp khó khăn, năng suất giảm, giá bán thấp, nông dân thiệt đơn, thiệt kép do mưa bão.

Chú thích ảnh
Lúa đổ ngã khiến cho việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn.

Nhìn đồng lúa đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình ngập sâu trong nước khiến ông Trần Quốc Dũng ở xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) không khỏi xót xa. Cả ngày túc trực ngoài đồng để bơm tát rút nước cho khô đồng, chờ khi nắng lên là có thể đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa, thế nhưng mưa kéo dài nên chưa thể thu hoạch được.

"Giờ chỉ biết đứng nhìn từng thửa ruộng bị lấp trong nước chứ không biết làm gì hơn. Mấy ngày trước gia đình còn phấn khởi, vì năm nay nhìn lúa được mùa, sản lượng cao, khấp khởi trong lòng là được vụ sản xuất được mùa, được giá. Giờ thì tới đâu hay tới đó vậy”, ông Trần Quốc Dũng buồn bã cho biết nói.

Còn anh Nguyễn Văn Bản, nông dân ở ấp Tường Tư xã Hưng Phú (huyện Phước Long) cho biết, lúc gần ngày thu hoạch, bà đều đánh giá vụ này trúng mùa, trúng giá. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài thời gian đến nay vẫn chưa được thu hoạch nên 2 ha lúa của gia đình bị ngập hoàn toàn. Ngoài thiệt hại về năng suất, bà con còn phải tốn thêm tiền mua xăng dầu bơm rút nước từ trên ruộng ra ngoài kênh. Hiện nông dân mong mỏi nhất là mưa giảm, nắng trở lại để đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa để giảm thiệt hại.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Bản lúa chín bị mưa gió, ngập trong nước nên đã chuyển màu, khả năng ảnh hưởng chất lượng và thương lái đang hạ giá thu mua. Trước đó, các “cò lúa” là người địa phương đến đặt tiền cọc để thu mua toàn bộ số diện tích trên, nhưng đến nay nông dân chưa thu hoạch được nên ai cũng lo lắng các “cò lúa” sẽ giảm giá khi thu mua.

Hiện, các địa phương đang khẩn trương cứu lúa bằng cách vận động nông dân bơm máy và vận hành hệ thống thủy lợi để tháo nước, cố gắng hỗ trợ nông dân khắc phục ảnh hưởng của mưa ngập tại các vùng trũng. Lãnh đạo các địa phương cũng thường xuyên xuống kiểm tra và chỉ đạo việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra trên các trà lúa.

Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang tích cực phối hợp cùng các địa phương và bà con nông dân thống kê các diện tích bị thiệt hại đổ ngã do mưa bão trong những ngày qua; đồng thời, đẩy mạnh khắc phục thiệt hại, khẩn trương thu hoạch các trà lúa đủ điều kiện thu hoạch, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại cho nông dân trong vụ sản xuất.

Bài và ảnh: Chanh Đa (TTXVN)
Ảnh hưởng bão số 3: Trên 126.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập, hư hại
Ảnh hưởng bão số 3: Trên 126.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập, hư hại

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cập nhật nhanh đến 7 giờ ngày 8/9, đã có 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN