Hàng chục năm nay, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Cây dứa không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn là cây trồng giúp người dân hai địa phương này vươn lên làm giầu, đặc biệt là các hộ dân đầu tư sản xuất lớn.
Có mặt tại cánh đồng dứa thôn Bãi Sải, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp, mới thấy từng thửa rộng nối tiếp nhau được che phủ bởi mầu xanh lá dứa, như phủ lên vùng đồi núi trùng điệp một bức thảm xanh ngút tầm mắt. Đây chính là nguồn sống, niềm đam mê sản xuất lao động của nông dân nơi đây, cũng chính là những công nhân truyền thống của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), thành phố Tam Điệp.
Trên cánh đồng thôn Bãi Sải, gia đình anh Phạm Ngọc Duy đang huy động tối đa lực lượng lao động của gia đình kết hợp với thuê thêm lao động địa phương khẩn trương thu hoạch dứa để kịp tiến độ giao khoán với Doveco. Dưới tiết trời nắng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, nhưng ai ai cũng phấn khởi với công việc của mình. Ruộng dứa sau hơn một năm chăm sóc nay đang cho những quả dứa thơm ngọt, đạt tiêu chuẩn thu hái.
Anh Duy cho biết, gia đình trồng dứa và ký kết hợp đồng xuất bán 5 ha cho Doveco đã nhiều năm nay. Với kinh nghiệm gieo trồng và kỹ thuật chăm sóc theo quy định, các ruộng dứa của gia đình anh cho thu hoạch rải đều từng tháng chứ không tập trung vào một vụ, mang đến thu nhập ổn định quanh năm cho gia đình cũng như những người làm thuê. Anh Duy cho biết, năm nay phần lớn diện tích dứa bán cho Doveco cho sản lượng cao hơn năm ngoái do thời tiết thuận lợi hơn và giá thu mua của công ty cũng tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng tại cánh đồng thôn Bãi Sải, anh Lê Văn Thi đang chỉ đạo các nhân lực thu hoạch 20 ha dứa của gia đình. Trên ruộng dứa được canh tác hàng chục năm trở lại đây, quy trình sản xuất và thu hoạch của gia đình anh Thi không khác gì một công ty thu nhỏ. Từ việc phân bổ thời gian gieo trồng đến chăm sóc đều được gia đình anh Thi lên kế hoạch hết sức tỉ mỉ.
Với đặc tính cây dứa từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch quả phải mất 18 tháng, gia đình anh Thi phân bổ xuống giống theo từng tháng, sau quá trình chăm sóc sẽ thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, quả dứa cho sản lượng và chất lượng cao nhất vào chính vụ trong các tháng 6, 7, 8 hàng năm. Vậy nên anh Thi luôn phải tính toán trồng gối vụ để tháng nào cũng có dứa xuất bán cho Doveco. Anh Thi cho biết, năm nay gia đình dự kiến thu hoạch khoảng 7 ha dứa, năng suất bình quân 45 tấn quả/ha.
Xã Quang Sơn là xã chủ đạo trồng dứa với diện tích 1.500 ha trong tổng diện tích hơn 2.000 ha dứa của thành phố Tam Điệp. Bình quân mỗi hộ trồng khoảng 1 ha, cá biệt có những hộ trồng hàng chục ha dứa. Đại diện Doveco cho biết, hàng năm công ty đều ký kết hợp đồng thu mua dứa với từng hộ sản xuất gồm các điều khoản quy định rõ ràng về thời gian thu hoạch, chất lượng dứa cũng như sản lượng tối thiểu.
Theo đó, người dân ký kết xuất bán cho công ty đảm bảo khối lượng tối thiểu 20 tấn dứa/ha, khối lượng này sẽ được thanh toán theo hợp đồng ký kết năm 2021 giá 4.800 đồng/kg. Từ tấn tiếp theo sẽ được công ty thu mua với giá cộng thêm 10% so với hợp đồng ký kết.
Với hình thức thu mua và thanh toán như hiện nay, người trồng dứa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rất yên tâm sản xuất, bởi không bị chi phối bởi giá thị trường bấp bênh. Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Doveco cho biết, thực tế nhiều thời điểm giá dứa trên thị trường giảm sâu, nhưng người dân khi đã ký kết với công ty sẽ yên tâm vì được đảm bảo nguồn thu nhập đều đặn.
Trong nhiều năm trở lại đây, với giá dứa ổn định, đặc biệt là việc tuân thủ hợp đồng đã mang đến cho người dân mức thu nhập ổn định khoảng 350 triệu đồng/ha/vụ, tương đương 18 tháng, trừ chi phí người dân thu về 150 triệu đồng/ha/vụ. Quy đổi thời gian theo năm sản xuất, người dân có thể thu lãi 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Ngọc Thành cho biết thêm, cây dứa được trồng tại Tam Điệp từ những năm 1970 với hai giống dứa chính là Cayen và Queen. Gần đây, công ty ký kết với nhiều hộ dân đưa vào trồng thêm giống dứa MD2, là loại dứa cho quả to giống như dứa Cayene, lại cho độ ngọt, thơm như dứa Queen.
Bên cạnh kinh nghiệm trồng dứa được đúc kết hàng chục năm kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và điều kiện tự nhiên vùng bán sơn địa, có mức độ phân cắt địa hình ít nên tạo sự đồng đều về khí hậu, tiêu thoát nước tốt, thuận lợi cho việc trồng và sản xuất cây dứa nên chất lượng quả tương đối đồng đều.
Quả dứa trồng tại thành phố Tam Điệp cũng như các địa phương tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Ninh Bình cho vị ngọt đậm, không xơ, có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: dứa đông lạnh, nước dứa ép, nước dứa nguyên chất...
Doveco có tổng diện tích sản xuất dứa tại Ninh Bình lên đến 2.600 ha, diện tích thường xuyên cho thu hoạch khoảng 1.000 ha, với sản lượng từ 45 nghìn đến 50 nghìn tấn dứa/năm. Với sản lượng đều đặn do tháng nào cũng trồng mới, Doveco duy trì được nguồn nguyên liệu đầu vào. Toàn bộ các sản phẩm từ dứa sản xuất ra đều được tiêu thụ hết. Hiện nay, ngoài việc phát triển vùng sản xuất tại Ninh Bình, Doveco tập trung phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu dứa tại nhiều tỉnh, thành phố khác như: Sơn La, Gia Lai...
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, ngoài diện tích trồng dứa thuộc vùng nguyên liệu của Doveco, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn có gần 1.000 ha dứa thuộc địa bàn nhiều huyện, thành phố khác. Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa để cung ứng nguyên liệu cho các công ty thực phẩm trên địa bàn.
Một vụ thu hoạch dứa chính vụ lại về, người dân trồng dứa của tỉnh Ninh Bình phấn khởi hơn ai hết, bởi những thành quả lao động vất vả, cực nhọc giữa cánh đồng nắng nóng nay đang cho những trái ngọt.