Mới có gần 40% địa phương thực hiện diễn tập ứng phó sự cố hoá chất

Thời gian qua, công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương ở nước ta chưa cao, đạt khoảng 35-40% và nhiều cơ sở hóa chất sau khi xây dựng biện pháp phòng ngừa, nhưng không tổ chức diễn tập.

Chú thích ảnh
Vụ cháy kho hoá chất ở Long Biên ngày 30/6/2020. Ảnh: Trung Nguyên.

Sự cố hóa chất hiện đang có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại các tỉnh công nghiệp có số lượng doanh nghiệp sản xuất, sử dụng, kinh doanh hóa chất tập trung đông. Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính ô-xy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp tính, độc hại đến môi trường... nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy, nổ, rất nguy hiểm. 

Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất tiêu dùng... hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế. 

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hóa chất đã được ban hành tương đối đầy đủ, các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi. 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2022/NĐ-CP bổ sung  quy định: Hàng năm, các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Theo Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương ở nước ta chưa cao, đạt khoảng 35-40% (số địa phương thực hiện diễn tập ít nhất là 1 lần). Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đạt trên 90%.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự toạ đàm.

Chia sẻ tại toạ đàm “Biện pháp tăng cường ứng phó sự cố hóa chất” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 20/12, bà Hà Thị Nguyệt Quế – Đại diện Công ty TNHH công nghệ Hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng cho biết, từ khi thành lập, công ty đã thành lập Ban an toàn và môi trường, ban phụ trách vấn đề an toàn và chịu trách nhiệm về triển khai các biện pháp ứng phó sự cố hóa chất. Các cán bộ, nhân viên, toàn bộ cán bộ công nhân viên của nhà máy đều đã được tập huấn và đều là lực lượng ứng phó với sự cố hóa chất ở bất kỳ một công đoạn nào. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về nhân lực, thiếu cán bộ chuyên trách có chuyên môn thực sự tốt về lĩnh vực ứng phó sự cố hóa chất. Ngoài ra, việc triển khai 4 tại chỗ trong ứng phó sự cố hóa chất cũng gặp khó khăn về phương tiện, khả năng tự trang bị của doanh nghiệp chỉ ứng phó được những sự cố nhỏ.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, Sở yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện diễn tập ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, xây dựng 10 kịch bản trên mười địa bàn, liên quan đến hoạt động từ vận chuyển trên đường bộ, đường sông, hay là sự cháy nổ liên quan đến kho chứa, tràn…

Thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện chặt chẽ hơn, ghi nhớ cam kết giữa các doanh nghiệp có những trang thiết bị theo từng khu vực mà Ban chỉ đạo hóa chất ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh nắm được và sẽ điều động khi cần thiết. Đồng thời, kiến nghị với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đầu tư trang thiết bị như là xe hút, tẩy rửa, hút xử lý chất độc hóa chất khi sự cố xảy ra, tránh hiện tượng khi xảy ra mà có thông báo, hạn chế về thời gian….

Ông Nguyễn Xuân Sinh – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, 90% các tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng và đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, tuy nhiên quá trình thực hiện thì có nơi chưa nghiêm túc. 

Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý hoạt động ứng phó sự cố hóa chất và Bộ có chia sẻ trách nhiệm quản lý hoạt động này, đối với quốc gia thì phải có quan hệ Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, phải phối hợp với các cơ quan liên quan.

“Mặt khác, Bộ cũng tăng cường và lập kế hoạch kiểm tra các địa phương, đánh giá hoạt động thực thi ở địa phương, qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện hơn, hoặc là bổ sung, hoặc là chỉnh sửa các quy định pháp lý hiện hành còn thiếu”, ông Sinh nhấn mạnh.

Theo đại diện Cục Hoá chất, sắp tới, Bộ Công Thương xây dựng Bộ Luật Hóa chất mới, có thể sẽ thay thế hoặc sửa đổi một số điều để hoàn thiện, bổ sung văn bản pháp lý. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Ngành hoá chất ở Phú Thọ đa dạng các sản phẩm có tính cạnh tranh
Ngành hoá chất ở Phú Thọ đa dạng các sản phẩm có tính cạnh tranh

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có năng lực cạnh tranh là mục tiêu đề ra của tỉnh Phú Thọ cho giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2040.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN