Mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm địa phương

Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng kênh phân phối, mở rộng mạng lưới bán hàng, từng bước tham gia thị trường bán lẻ hiện đại và xuất khẩu những mặt hàng chủ lực.

Chú thích ảnh
Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tạo điều kiện tham gia thị trường bán lẻ hiện đại.

Để thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận tích cực tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại - du lịch, kết nối giao thương, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh với các đối tác thương mại.

Đồng thời, tỉnh tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các đơn vị sản xuất thông qua ứng dụng thương mại điện tử, kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Qua thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng năm 2023 trên địa bàn ước đạt 38.014 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. 

Ông Quách Văn Thảo, Giám đốc Công ty Nông sản Nhật Duy (xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho hay, thông qua các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại được tỉnh tổ chức đã giúp doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu thông tin sản phẩm, khả năng cung ứng và kết nối với người tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty cung cấp như: nho, táo, măng tây, rong nho tươi đã được đưa vào bán tại các hệ thống phân phối của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các đối tác kinh doanh trong tỉnh và tại các tỉnh, thành khác như: Sóc Trăng, An Giang, Lào Cai, Cần Thơ, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh,…

Theo Sở Công Thương Ninh Thuận, để mở rộng thị trường tiêu thụ Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ: sanphamninhthuan.vn; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia và duy trì trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài như: Alibaba, Amazon, Lazada, Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart.. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 sản phẩm của 92 đơn vị, trong đó 123 sản phẩm OCOP của 50 doanh nghiệp, cơ sở đã được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử.

Cùng với xúc tiến thương mại trong nước, Ninh Thuận cũng tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị tham gia các hội nghị xúc tiến hợp tác với Ấn Độ; ký và trao biên bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh, Saudi Arabia; đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ quảng bá tỉnh Ninh Thuận với các đối tác thuộc thị trường Halal toàn cầu. Ngoài những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh như: tôm đông lạnh, nhân điều, sản phẩm may mặc, nha đam,… sang thị trường các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, Hà Lan, Anh...

Hiện nay, một số sản phẩm mới, tiềm năng như măng tây tươi cũng đã được khai thác để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), sản phẩm đá xây dựng xuất khẩu sang thị trường Singapore. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của tỉnh ước đạt 210 triệu USD, tăng 1,7% so với năm 2022.

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và duy trì đà tăng trưởng, trong thời gian tới Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ Công thương và các bộ, ngành, đơn vị, địa phương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại; đồng thời đưa ra những giải pháp để hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững.

Cụ thể, Ninh Thuận triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với chương trình hành động hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông sản đặc thù, sản phẩm OCOP. Sở Công Thương tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với bộ phận chuyên môn thuộc Bộ Công thương xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm trên cả nước thông qua các nền tảng số.

Cùng đó, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục phát triển chuỗi các điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù. Sở đẩy mạnh hoạt động kết nối hội nhập quốc tế, phát triển ngoại thương mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Ninh Thuận sang các nước, nhất là thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và thị trường Trung Quốc.

Ngoài hoạt động hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần chủ động đổi mới mô hình, cách thức tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết đồng bộ, hiện đại; đồng thời, tiếp tục nêu cao tinh thần hợp tác, hỗ trợ phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Hỗ trợ quảng bá kinh doanh sản phẩm OCOP
Hỗ trợ quảng bá kinh doanh sản phẩm OCOP

Để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, phát triển kinh doanh sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), tỉnh An Giang đang đẩy mạnh tổ chức nhiều sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP về các huyện, thị, thành trong và ngoài tỉnh, nhất là các điểm du lịch nổi tiếng. Qua đó, đưa sản phẩm OCOP An Giang đến gần hơn với người dân, du khách trong, ngoài tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN