Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc từ ngày 10 - 13/1/2023, Đoàn đại biểu kinh tế thương mại Quảng Tây do ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây dẫn đầu sẽ tới Việt Nam để thực hiện một loạt hoạt động kinh tế thương mại. Đây là đoàn đại biểu các cơ quan cấp tỉnh đầu tiên của Quảng Tây đến thăm Việt Nam kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát 3 năm qua.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong giao lưu hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại trên các lĩnh vực. Việt Nam đã duy trì vị thế là nước đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong 23 năm liên tiếp, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của hai bên đã đạt 200 tỷ NDT.
Đặc biệt, Quảng Tây (Trung Quốc) đã ghi nhận hoặc phê duyệt tổng số 181 doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (loại hình phi tài chính), tổng số tiền đầu tư theo cam kết của Trung Quốc là 1,26 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực tế là 140 triệu USD.
Các doanh nghiệp Quảng Tây ký kết hợp đồng công trình với doanh thu hoàn thành lũy kế là 1,09 tỷ USD; Việt Nam đã thành lập tổng cộng 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Quảng Tây, tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hợp đồng là 184 triệu USD.
Với việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hợp tác kinh tế thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, kim ngạch thương mại sẽ được mở rộng hơn nữa, mang lại cơ hội hợp tác tốt hơn cho doanh nghiệp hai bên.
Mục đích của chuyến thăm này là thực hiện tinh thần cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Việt Nam và “Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam”, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam, thúc đẩy tối ưu hóa cơ chế hợp tác kinh tế và thương mại liên Chính phủ.
Bên cạnh đó, tích cực xây dựng nền tảng trao đổi và đàm phán cho doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại Quảng Tây - Việt Nam không ngừng đi vào chiều sâu, phấn đấu đạt được phạm vi rộng hơn, mức độ sâu hơn, kết quả thực chất hơn, nhiều dự án hơn, lĩnh vực hợp tác tác rộng rãi hơn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) bày tỏ vui mừng khi biết tin Trung Quốc đã gỡ bỏ toàn bộ xét nghiệm PCR và cách ly tập trung sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc từ ngày 8/1/2023. Đây chính là tiền đề tốt để các cơ quan, doanh nghiệp hai bên có cơ hội khôi phục hoạt động trao đổi, hợp tác góp phần mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, nhiều năm qua với vai trò là cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN, tỉnh Quảng Tây đã phát huy vai trò cầu nối rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Thống kê của Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc), kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 đạt 172,65 tỷ NDT, tương đương 25,5 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 29,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây với thế giới. Đặc biệt, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong 23 năm liên tục.
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận rằng, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước cũng gặp không ít khó khăn. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của Việt Nam với Quảng Tây đã sụt giảm liên tục.
Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc thông qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh giảm 68,7% so với cùng kỳ.
Để khắc phục những khó khăn trên, ông Tô Ngọc Sơn khuyến nghị Sở Thương mại Quảng Tây phối hợp với cơ quan liên quan của Quảng Tây sớm hoàn thiện quy trình, quy định với người và hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, khôi phục trạng thái thông qua như trước dịch COVID-19.
Cùng đó, đề nghị các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu và vận dụng năng lực thông quan hàng hóa của các cửa khẩu trên địa bàn Quảng Ninh và Cao Bằng để thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa với phía Quảng Tây (Trung Quốc).
Ông Tô Ngọc Sơn chỉ ra rằng, Tết cổ truyền của của hai nước đang đến gần, nhu cầu hàng hóa cũng tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, lượng hàng hóa được vận chuyển tới các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất nhiều, tạo ra áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ và nhân viên làm công tác thông quan của tỉnh Lạng Sơn.
Do vậy, doanh nghiệp cần tích cực phân luồng hàng hóa, nghiên cứu thống nhất phương thức giao nhận qua cửa khẩu trên địa bàn Quảng Ninh và Cao Bằng nhằm giảm thiểu rủi ro ùn tắc hàng hóa kéo dài.
Mặt khác, doanh nghiệp cần làm tốt việc quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường tìm hiểu thông tin, quy định của phía Trung Quốc với sản phẩm nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa được thông quan thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trịnh Thị Bích Ngọc- Phó Trưởng ban Quan hệ quốc tế- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, gọi chung là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vì mục tiêu phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Điều này góp phần phát triển xã hội, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi phù hợp với quy định pháp luật.
Theo bà Trịnh Thị Bích Ngọc, VCCI sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường giao lưu, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong năm 2023, VCCI dự kiến triển khai một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và hy vọng có cơ hội hợp tác với Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) trong quá trình triển khai hoạt động này.
Trong khuôn khổ Hội nghị giao thương, sẽ tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên, đã có 8 hạng mục hợp tác kinh tế thương mại được xác nhận; trong đó, có 3 hạng mục là Thỏa thuận hợp tác khung được ký kết bởi doanh nghiệp có vốn nhà nước, 5 hạng mục là hợp đồng đặt hàng hàng năm giữa các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, giá trị các hợp đồng thương mại dự kiến có thể đạt 900 triệu NDT.