Mở lối tư duy kinh tế nông nghiệp - Bài 1: Hóa giải 'lời nguyền' manh mún, tự phát

Trải qua nhiều thăng trầm, càng ngày, ngành nông nghiệp càng khẳng định vai trò "trụ đỡ" quan trọng của nền kinh tế. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương trong khu vực đang từng bước tái cơ cấu nền nông nghiệp, thực hiện đổi mới tư duy, chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", thích ứng biến đổi khí hậu và xu thế thị trường, góp phần giúp nông nghiệp tăng trưởng, phát triển bền vững hơn.

Bài 1: Hóa giải "lời nguyền" manh mún, tự phát

Lâu nay, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vẫn luẩn quẩn trong "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến hàng loạt những câu chuyện hệ lụy "được mùa - mất giá", điệp khúc "trồng - chặt"... Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, các địa phương tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh luôn xác định phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Hình thành các chuỗi giá trị

Chú thích ảnh
Người dân thu hoạch dừa. Ảnh tư liệu: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Là một trong những nông dân đầu tiên tham gia chuỗi giá trị của cây dừa, ông Phạm Văn Hà, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cho hay, trước đây 2 ha dừa của gia đình bán với giá cả bấp bênh do thương lái quyết định và thu mua không ổn định. Vì vậy, khi Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh thành lập, sản xuất dừa theo hướng hữu cơ và liên kết doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, ông Hà mạnh dạn tham gia. Mặc dù là hướng đi mới, nhưng đối với ông Hà, đây là mối liên kết giúp nông dân có cơ hội thoát khỏi vòng luẩn quẩn; điều tiên quyết là nông dân cần giữ chữ tín, tuân thủ quy trình sản xuất, không sử dụng các loại phân thuốc hoá học trong phòng trừ sâu bệnh trên cây dừa.

Ông Hà cho biết, canh tác dừa hữu cơ mang lại hiệu quả rất cao, sản lượng tăng 20 - 30%. Với 2 ha, ông Hà trồng hơn 400 cây dừa, mỗi tháng thu hoạch từ 2.500-3.000 trái. Bên cạnh đó, ông Hà tự mua phân chuồng từ các hộ nuôi dê, bò trong xã để về ủ phân hữu cơ bón cho cây dừa, tiền đầu tư phân hữu cơ giảm 50% so với sử dụng phân bón hóa học. Nếu giá trung bình 80.000 đồng/chục, mỗi năm ông Hà thu nhập 120 - 150 triệu đồng. Như vậy, thu nhập từ cây dừa hữu cơ rất lớn, đảm bảo được đời sống của người dân trồng dừa.

Ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh cho biết, được thành lập năm 2017, ban đầu, hợp tác xã có 19 thành viên, đến nay đã lên tới 192 thành viên tham gia, có 85 hộ đang thực hiện canh tác hữu cơ, với diện tích 149,5 ha.  Mỗi tháng Hợp tác xã Thới Thạnh cung ứng cho công ty chế biến dừa Lương Quới hơn 180.000 trái dừa để sản xuất thành các sản phẩm dầu dừa, nước dừa, sản phẩm chế biến sâu từ dừa…để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, và các thị trường khác trên thế giới. Khi các hộ trồng dừa tham gia sản xuất dừa hữu cơ, các doanh nghiệp sẽ thu mua cao hơn so với dừa sản xuất thông thường từ 15.000-20.000 đồng/chục.

Ông Ửng chia sẻ thêm, khi giá dừa xuống thấp, với giá thu mua cao hơn giá thị trường người dân có lợi nhiều hơn, an tâm gắn bó với vườn dừa hữu cơ. Đặc biệt, khi tham gia liên kết các hộ cung nhau sản xuất theo qui trình kỹ thuật canh tác, do đó chất lượng trái dừa sẽ đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu khách hàng, hơn nữa tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, sản lượng ổn định, khi đó lợi nhuận tăng cao hơn, nông dân phát triển bền vững vườn dừa của mình.

Cũng nằm trong tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh có nền kinh tế chủ lực là nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp hơn 186.000 ha, chiếm 79% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết đều có quy mô nhỏ, lẻ, manh mún. Để nông sản Trà Vinh tăng sức cạnh tranh trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh định hướng nông dân thay đổi tập quán canh tác để giảm giá thành, như chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, từ hộ nông dân sang hợp tác xã, từ thủ công sang cơ giới hoá; đặc biệt là tham gia mô hình cánh đồng lớn… để dễ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá, và dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Được thành lập vào cuối năm 2016, đến nay Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp ở xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) có 519 thành  viên, sản xuất trên khoảng 500 ha trồng lúa. Hợp tác xã kinh doanh các ngành nghề như liên kết cung cấp vật tư nông nghiệp, bao tiêu đầu ra, dịch vụ thủy lợi nội đồng, khai thác quản lý chợ… Hiện, hợp tác xã thường xuyên duy trì liên kết với 5 doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và 2 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên hợp tác xã.

Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp cho biết, trước đó, thu nhập của nông dân trên địa bàn rất bấp bênh bởi thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá. Thêm vào đó, do sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên chi phí sản xuất cao, dễ gặp rủi ro do thiên tai dịch bệnh, đầu ra bị thương lái ép giá…Từ khi tham gia hợp tác xã, nông dân được cung ứng vật tư đầu vào chất lượng, giá thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường; đồng thời lúa thương phẩm được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 20-50 đồng/kg. Vì vậy lợi nhuận của thành viên mỗi vụ tăng thêm từ 5-10% so với trước khi tham gia hợp tác xã.

Liên kết để đi xa hơn

Chú thích ảnh
Mô hình trồng gấc của Hợp tác xã nông nghiệp Việt Thành (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông, khẳng định, hợp tác xã nông nghiệp là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Những năm gần đây, tuy các hợp tác xã trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, nhưng số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo chuỗi vẫn còn khá "khiêm tốn". Hiện nay, trong số 125 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, chỉ có khoảng 30% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Để thúc đẩy các hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông, các ngành chức năng trong tỉnh cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; khuyến khích hợp tác xã tham gia các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hội nghị, triển lãm, hội chợ, đẩy mạnh quảng báo, giới thiệu sản phẩm, tham gia hoạt động thương mại điện tử… Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ hợp tác xã cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo tiêu chuẩn, chứng nhận an toàn, xây dựng tạo lập nhãn hiệu, thương hiệu…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bến Tre có 179 hợp tác xã, với hơn 47.000 thành viên; 1.092 tổ hợp tác đang hoạt động. Riêng trong ngành hàng dừa, toàn tỉnh có 79 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã; trong đó, tham gia liên kết chuỗi giá trị dừa có 28 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô hơn 5,6 nghìn ha với hơn 6.200 thành viên. Hiện tổng diện tích dừa của Bến Tre là hơn 78.000 ha, chủ yếu là dừa khô nguyên liệu, tổng sản lượng dừa Bến Tre ước khoảng 688 triệu trái/năm. Tính đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất 14.000 ha dừa hữu cơ có kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tạo nên một chuỗi sản xuất tiêu thụ bền vững.

Ông Đức lý giải, nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng hiện nay luôn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần có vùng nguyên liệu chế biến cung cấp cho thị trường xuất khẩu trên thế giới, cho nên sản xuất dừa nói riêng, nông sản nói chung theo hướng hữu cơ là bước đi đúng đắn để làm tăng giá trị sản sản xuất cho người nông dân. Đây là cách để thu hút các doanh nghiệp chế biến, tạo nên một chuỗi liên kết nông dân (vùng nguyên liệu) với doanh nghiệp, nhà máy chế biến, tiêu thụ, đẩy mạnh ngành chế biến cho nông sản phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để không bị tụt hậu. Trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tổ chức lại sản xuất hợp lý, tổ chức lại dân cư để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, cần có đánh giá đầy đủ thời cơ, thuận lợi và khó khăn để có định hướng, chỉ đạo mang tính sát thực; có giải pháp khắc phục khó khăn, về lâu dài tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. Việc liên kết 3 nhà là Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp cần phải tiếp tục củng cố, phát triển, thắt chặt để cùng nhau làm giàu, đảm bảo hài hòa về lợi ích, xây dựng niềm tin.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ trì phối hợp các sở, ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả; tham mưu ban hành chính sách phù hợp sát với nhu cầu thực tế; đề xuất tổ chức lại cách phát triển ngành nông nghiệp, cách liên hệ giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường nghiên cứu, chủ động liên hệ với cấp ủy, chính quyền để đề xuất, đóng góp trí tuệ, giải pháp hay cho tỉnh. Ngành công thương tiếp tục tham mưu giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế tập thể.

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, gắn với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân để tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, hình thành, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, cấp mã số vùng trồng; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Bài 2: Bắt nhịp xu thế

Chương Đài - Thanh Hòa  - Phúc Hậu  (TTXVN)
Mở lối tư duy kinh tế nông nghiệp - Bài cuối: Hướng đến phát triển bền vững
Mở lối tư duy kinh tế nông nghiệp - Bài cuối: Hướng đến phát triển bền vững

Trước thực trạng thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt do biến đổi khí hậu, những lợi thế từ phù sa sông Mekong, nguồn lợi thủy sản tự nhiên... không còn như trước, đặt ra yêu cầu nền nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển theo hướng "thuận thiên", chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" kết hợp với công nghiệp chế biến. Đây được xem là giải pháp khả thi và bền vững trong dài hạn, tạo động lực cho nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN