Bên cạnh việc kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hợp tác xã, trang trại nông nghiệp và nông dân, diễn đàn cũng giới thiệu những công cụ, giải pháp, bài học và kinh nghiệm kết nối cung - cầu trong điều kiện bình thường mới.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hợp tác xã là thể chế đầu tiên trong chuỗi giá trị nông nghiệp, song cần thay đổi về tư duy để tồn tại, phát triển trong tình hình mới. Các hợp tác xã chỉ có tăng quy mô, chuẩn hóa sản xuất, nâng cao năng lực thì mới có thể thích ứng được với giai đoạn mới.
Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện có trên 18.000 hợp tác xã trên cả nước, song một nửa số này có số thành viên dưới 30. Do đó, các hợp tác xã nhỏ cần tự liên kết với nhau. Hợp tác xã lớn kết nạp nhiều hợp tác xã nhỏ hoặc các hợp tác xã nhỏ bắt tay nhau cùng làm. Đơn cử như với việc sản xuất rau chất lượng cao, sẽ chia ra từng khâu như giống, sản xuất, phát triển thị trường.
Bà Trần Huyền Anh, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp CHOA, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết, hợp tác xã có 23 vùng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 10.000 ha. Sản phẩm chính là đặc sản bưởi Phúc Trạch.
Năm 2021, hợp tác xã đã liên kết và đưa một số sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) lên các sàn thương mại điện tử, giúp minh bạch thông tin, quá trình sản xuất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số. Hợp tác xã đã triển khai kế hoạch mở rộng, với tầm nhìn đến năm 2023 là tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp trên địa bàn huyện. Dù hoạt động tương đối hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ nhưng hợp tác xã vẫn gặp khó khăn về kho vận, logistics trong quá trình đưa sản phẩm đến người dùng.
Bên cạnh đó, bà Trần Huyền Anh cũng thừa nhận, năng lực quản trị để mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài cũng là một vấn đề hợp tác xã cần cải thiện. “Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với những ưu đãi về vốn, nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, cũng như được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm khi đưa lên sàn thương mại điện tử”, bà Trần Huyền Anh chia sẻ.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong số ít hợp tác xã ở Hà Nội tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số với các giải pháp đồng bộ như nhật kí điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.
Theo đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho nông dân của hợp tác xã mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng.
“Mặc dù thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của hợp tác xã vẫn duy trì, phát triển ổn định. Doanh thu của hợp tác xã tăng 10% so với năm 2020”, đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ.
Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOs, tỉnh Gia Lai cho biết, hợp tác xã đã phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề, đa dịch vụ; đẩy mạnh phát triển liên kết theo chuỗi giá trị với nông dân ở địa phương theo cách thức hợp tác xã đứng ra thu mua, sơ chế, chế biến…
Hiện nay, xu thế chung của tất cả các thị trường là minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, theo kinh nghiệm mà hợp tác xã đang triển khai khi tham gia chuỗi liên kết, việc xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn. Đối với những doanh nghiệp thu mua, hợp tác xã sẵn sàng trở thành đầu mối kết nối các doanh nghiệp với vùng nguyên liệu, sản phẩm tốt.
Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho rằng, để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, nông dân, hợp tác xã cần phải đảm bảo được tính minh bạch thông qua các chứng nhận tiêu chuẩn, khả năng kết nối thị trường qua các nền tảng, hợp đồng liên kết chuỗi giá trị. Thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công sẽ được thay thế bằng nhật kí điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh.
“Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra”, ông Mai Quang Vinh chia sẻ.
Về tem truy xuất thông minh, ông Lê Đức Thịnh chia sẻ thêm, đây là một giải pháp đang triển khai tại 6 tỉnh với mong muốn minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác nhất thông qua các công nghệ.
“Chúng tôi mong muốn sau quá trình thử nghiệm tại 6 tỉnh, sản phẩm nông sản của các hợp tác xã sẽ được gắn tem truy xuất thông minh, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho doanh nghiệp. Với giải pháp này, chỉ với 1 cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được các sản phẩm, quy trình sản xuất, loại tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng và cả dự báo sản lượng, thời vụ của hợp tác xã”, ông Lê Đức Thịnh thông tin.