Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh trong khu vực, nhằm tổng kết hoạt động của ngành công thương năm 2018, đồng thời đề ra mục tiêu, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho giai đoạn mới.
Được tổ chức luân phiên hàng năm, hội nghị là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, tạo sự liên kết, hỗ trợ và hợp tác để triển khai có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, thời gian qua, 15 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt thành tựu lớn trên nhiều mặt, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung của cả nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng… Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu, ngành công thương các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tập trung quan tâm một số nội dung cụ thể. Đó là, tập trung nguồn lực phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn gắn với lợi thế của địa phương; từng bước phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; kết nối phát triển liên kết vùng; tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Riêng về vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh trong khu vực để đáp ứng mục tiêu phát triển, không để trùng lắp, mâu thuẫn, cạnh tranh lợi ích giữa các tỉnh với nhau. Bên cạnh đó, các tỉnh cần phát huy tối đa vị trí địa lý, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu, nắm bắt những cơ hội, thách thức hiện nay để khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA); phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh với Bộ Công Thương để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
Năm 2018, đa số các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước 10,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 444 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017. Toàn vùng có 13 khu kinh tế, 57 khu công nghiệp với trên 2.300 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện trên 618 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 144 nghìn lao động.
Đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt gần 700 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 15,86% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8.445 triệu USD, nhập khẩu gần 5.175 triệu USD.
Riêng 7 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ước đạt 262 nghìn tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 445 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 5.384 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 3.087 triệu USD.
Ngoài ra, các tỉnh trong khu vực đã chủ động mở rộng tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới thâm nhập; cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại được quan tâm đầu tư, cải thiện; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương được chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã trao đổi trực tiếp, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến lãnh đạo Bộ Công Thương và các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ để cùng chia sẻ, hỗ trợ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, ngành công nghiệp gỗ tại Bình Định phát triển trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có về điều kiện hạ tầng giao thông thuận lợi như cảng biển Quy Nhơn. Tuy nhiên, khi thị trường xuất khẩu gỗ của thế giới với những yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu, những rào cản về kỹ thuật, rào cản thương mại bắt đầu xuất hiện thì thị phần sản phẩm gỗ của Bình Định gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó tại Gia Lai, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong 10 năm qua, Sở Công Thương tỉnh này đã chỉ đạo cho Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi để phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các chương trình còn hạn chế về số lượng doanh nghiệp tham gia, khiến đơn vị tổ chức gặp nhiều khó khăn.
Các ý kiến tại hội nghị tập trung về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển năng lượng tái tạo; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình chậm thay đổi tư duy theo hướng cơ giới hóa, đổi mới công nghệ; khó khăn trong cơ chế quản lý các cụm công nghiệp; khó khăn trong các dự án thủy điện vừa và nhỏ...