Miền Trung phát triển kinh tế biển, đảo

Tại cuộc hội thảo Quốc gia với chủ đề “Khai thác tiềm năng biển, đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã khẳng định miền Trung là vùng có điều kiện sinh thái đặc thù, có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế chiến lược quan trọng. Đây là vùng có tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường to lớn như bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng lớn, giàu tài nguyên sinh vật biển, nhiều tiềm năng về năng lượng, khoáng sản, vận tải viển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển. Đặc biệt là dầu khí, thuỷ sản, khoáng sản, năng lượng và nhiều bãi biển đẹp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…

Tiềm năng kinh tế biển

Trong 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận có chiều dài gần 1.900 km, khu vực này có diện tích khoảng gần 100.000 km2, chiếm gần 30% diện tích cả nước, có gần 19 triệu dân, chiếm gần 22% dân số cả nước. Trong giai đoạn 2006- 2010, toàn khu vực miền Trung có tốc độ tăng trưởng trung bình 13%. Tuy nhiên tỷ trọng GDP của toàn khu vực này trong GDP cả nước chỉ chiếm khoảng 14% năm 2010. Nếu so sánh tỷ lệ dân số (gần 22%) và tỷ trọng GDP so với cả nước (14%) cho thấy DGP/người của khu vực này thấp hơn trung bình của Việt Nam.

Khu du lịch Sa Huỳnh.


Theo PGS.TS Bùi Quang Bình (Đại học kinh tế Đà Nẵng): Với 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận đều có biển, chiếm 50% số tỉnh trong cả nước có bờ biển, chiếm 57% bờ biển cả nước (3.260km). Diện tích vùng lãnh hải của khu vực này có khoảng 300.000 km2 (rộng hơn diện tích lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam), các địa phương đều có diện tích lãnh hải nhiểu hơn diện tích lãnh thổ. Trên vùng lãnh hải có hàng chục đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hoà), Phú Quí (Bình Thuận). Đây là cơ sở để xác định phát triển kinh tế biển theo hướg lâu dài có tính chất chiến lược cho khu vực miền Trung.

PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng: Tiềm năng kinh tế biển của khu vực miền Trung, trước tiên phải khẳng định vị trí của vùng biển này, miền Trung nằm gần một trong những tuyến đường hàng hải năng động nhất thế giới. Trên tuyến đường chiến lược giao thông đường thuỷ quốc tế với 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất của hành tinh đi qua. Hàng năm, vận chuyển qua biển Đông khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khảu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% hàng xuất của Nhật Bản và 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Vị trí địa lý vùng biển này cùng với điều kiện địa lý đã cho miền Trung nhiều cảng biển lớn như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Qui Nhơn, Vũng Rô, Nha Trang, Cam Ranh… trong đó có nhiều cảng nước sâu với công suất hàng hoá thông qua cảng hàng chục triệu tấn/năm, tạo điều kiện tốt để phát triển về vận tải biển và dịch vụ cảng biển.

Bờ biển và vùng lãnh hải rộng lớn chứa các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm và vật liệu xây dựng; các mỏ dầu khí ở vùng thềm lục điạ; nhiều nguồn lợi thuỷ sản, các hệ sinh thải biển, ven biển. Bờ biển không chỉ đẹp về danh lam thắng cảnh mà còn có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, dọc bờ biển có nhiều sa khoáng kim loại, nhất là sa khoáng ilmenit, zircon, monaxit, riêng Titan gần như phân bố ở tất cả các tỉnh, nhất là Bình Định và Bình Thuận.

Về tài nguyên sinh vật, đây là vùng có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau như dải cát ven bò, rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, rong biển, cửa sông, vùng triều, đầm phá, vũng, vịnh biển. Đến nay đã phát hiện có 243 loại tảo, 159 loài rong biển, 7 loài cỏ biển, 146 loài và các nhóm động vật nổi nước mặn, có hơn 600 loài cá, trong đó có 50 loài cá kinh tế cao như cá đối, cá mòi, cá dìa, cá căng, cá mú, cá ngừ, cá thu, cá cu…; có 57 loại tôm he, đặc biệt là tôm hùm. Riêng nguồn lợi hải sản với trữ lượng cá toàn vùng biển ước tính khoảng 1,25 triệu tấn. Bên cạnh đó, nuôi trồng thuỷ sản cũng là thế mạnh đem lại nguồn lợi lớn cho dân cư sinh sống ven biển, đây cũng là tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Về tiềm năng năng lượng, Miền Trung có tiềm năng để sản xuất điện từ gió, thuỷ triều, sóng. Đặc biệt là nguồn dầu khí, khu vực miền Trung chiểm 4/7 bồn trũng có tiềm năng dầu khí ở nước ta.

Đặc biệt, tiềm năng về du lịch biển đảo, miền Trung có nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài. Bên cạnh đó có các đảo gần bờ với cảnh quan thiên nhiên đẹp, có giá trị đa dạng sinh học cao, nhiều đảo còn khá hoang sơ như bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận). Hệ thộng vịnh như: Vịnh Dung Quất, Thanh Thuỷ (Quảng Ngãi), Vịnh Quy Nhơn (Bình Định), Xuân Đài (Phú Yên), Nha Trang, Vân Phong (Khánh Hoà) là những vịnh đẹp, hội tụ không gian biển giao thoa với đời sống văn hoá ven biển tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng cho vùng miền.

-Từ định hướng…

Đảng ta đã xác định:Khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi hải sản, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, có giá trị cao; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng ngành thuỷ sản Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Một góc vịnh Vũng Rô (Phú Yên).


Vùng biển, ven biển và hải đảo: Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tầu, ximăng, chế biến thủy sản chất lượng cao... Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo. Quy hoạch và phát triển có hiệu quả nghề muối, bảo đảm nhu cầu của đất nước và đời sống của diêm dân.

Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản đa dạng theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng gắn với thị trường; coi trọng các hình thức nuôi công nghiệp, thâm canh là chủ yếu đối với thuỷ sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn; gắn nuôi trồng với chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạng việc đánh bắt hải sản xa bờ với ứng dụng công nghệ cao trong các khâu tìm kiếm ngư trường, đánh bắt, hiện đại hoá cac cơ sở chế biến hải sản. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản.

Như vậy, Đảng ta đã xác định tầm quan trọng và tiềm năng kinh tế to lớn của vùng biển, đảo, và đã có những chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung một cách phù hợp, phục vụ chung cho qúa trình phát triển của đất nước nói chung và cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân nói riêng. Những quan điểm, định hướng nêu trên cần được quán triệt rõ ràng trong việc phát triển kinh tế biển, đảo của khu vực miền Trung nói chung và đối với từng tỉnh, thành phố nói riêng.

…Đến những giải pháp phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung

Những năm qua, cac tỉnh miền Trung dã từng bước khai thác các điều kiện tư nhiên, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương phát triển mạnh kinh tế- xã hội, nhất là việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo.

Đêm TP Đà Nẵng.


Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, đảo khu vực miền Trung, thời gian tới, cần có chiến lược khai thác kinh tế biển, lấy kinh tế biển làm động lực thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, tạo ra việc làm thu hút mạnh lao động, thúc đẩy thuỷ sản phát triển. Trong đó, phát triển ngành thuỷ sản một cách bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng ngành thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh trong khu vực. Đối với việc khai thác thuỷ hải sản, hướng ưu tiên là tập trung đầu tư khai thác vùng biển khơi, vừa phát triển kinh tế biển, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh trên vùng biển miền Trung, trong đó chú trọng mở rộng năng lực đánh bát xã bờ, hoàn thiện và mở rộng các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, nhất là vùng biển quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Đối với vận tải biển, tập trung nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hoá), Tiên Sa (Đà Nẵng), Dung QUất (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hoà)…Đồng thời, nâng cấp xây dựng mới các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền theo hướng công nghiệp; từng bước hình thành tập đoàn đóng và sửa chữa tàu biển hiện đại ở miền Trung, đủ sức cạnh tranh thị phần vận tải biển trong khu vực.

Tiếp tục đẩy mạnh khả năng phát triển du lịch sinh thái biển, đảo trên vùng biển miền Trung dựa trên thế mạnh của tiềm năng đa dạng sinh học, các danh lam thắng cảnh, di tịch lịch sử quốc gia, di sản thế giới, gắn với “Con đường di sản miền Trung” đầy hấp dẫn. Chú trọng đầu tư phát triển có sở hạ tầng, nhất là các Khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển; Có chính sách liên kết, hợp tác vùng, địa phương trong việc bố trí cơ cấu ngành nghề, phân công lao động…

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Nước ta nói chung và miền Trung nói riêng vẫn chưa nhận thức một cách đầy đủ về tiềm năng và lợi thế của biển, đảo. Mặc dù đã có ý thức vươn ra biển, đảo khá sớm, song cho đến nay người miền Trung (rộng hơn là cộng đồng người Việt Nam) vẫn chưa thực sự vươn ra đại dương, chưa hình thành văn hoá hướng ra biển và đại dương. Những năm gần đây, dù đã có cố gắng và quan tâm nhiều hơn đến biển, đảo nhằm đẩy mạng khai thác tiềm năng, lợi thế của biển, nhưng kinh tế biển, đảo vẫn chưa có vị trị xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, những chương trình nghiên cứu về biển, đảo mang tính tỏng thể, liên ngành, đa ngành; thiêu cơ chế phối hợp mang tính liên ngành, liên vùng, liên địa phương. Chính vì vậy, còn thiếu nhiều cơ sở dữ liệu và hiểu biết về biển, đảo. Đặc biệt chúng ta vẫn thiếu một chiến lược tổng thể mạng tính liên ngành, liên vùng, liên địa phương và đa mục tiêu ở tầm quốc gia về phát triển toàn diện biển, đảo. Hiện nay, các chiến lược phát triển biển, đảo, nếu có thì cũng chỉ mang tính chuyên ngành, địa phương.

Hiện nay ở hầu hết các tỉnh miền Trung đang hình thành và phát triển mô hình kinh tế ven biển mà trong đó tỉnh nào cũng định hướng, qui hoạch và xây dựng cảng nước sâu, nhà máy lọc dầu, khu công nghiệp, khu kinh tế... Tuy nhiên, hiệu quả chưa đồng đều, còn phân tán và lãnh phí nguồn nhân lực.

Du lịch biển, đảo - từ tiềm năng và lợi thế...

GS.TSKH Lê Du Phong, Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội khẳng định rằng: Duyên hải Nam Trung bộ là vùng có điều kiện sinh thái đặc thù, có vị trí chính trị, kinh tế và địa bàn chiến lược quan trọng, bởi đây là vùng có tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường to lớn bao gồm bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng lớn, giàu tài nguyên, nhất là dầu khí, thuỷ sản, khoáng sản, năng lượng và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.

Vùng duyên hải Nam Trung bộ có những lợi thế lớn khác đó là, có quốc lội 1A và đường sắt chạy xuyên suốt các tỉnh trong vùng, nối với các tỉnh phía Bắc và phía Nam; có nhiều tuyến quốc lộ 14 B, 14 D, 19, 24, 25, 27, 28 nối với các tỉnh Tây nguyên; có nhiều sân bay lớn như Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Phú Cát (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hoà), rất thuận tiện cho việc giao lưu giữa các địa phương trong nước cũng như các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, do cấu tạo địa hình nên vùng duyên hải Nam trung bộ là vùng có nhiều cảng biển nước sâu đã được xác định đó là các cảng: Liên Chiểu, Tiên Sa (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hoà), các cảng này rất gần với đường hàng hải quốc tế, đây là điều kiện thuận lợi cho vùng trong việc mở rộng và phát triển giao lưu kinh tế trong nước và thế giới.

Ra quân đánh bắt thủy sản ở Sa Huỳnh (Quãng Ngãi).


Cùng với những lợi thế trên, vùng duyên hải Nam Trung bộ đã được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan tuyệt đẹp đó là những núi đá xen những cồn cát trắng chạy dọc ven biển xanh biếc từ đèo Hải Vân (Đà Nẵng) đến Mũi Né (Bình Thuận). Nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như Ngũ Hành Sơn được ví là Nam thiên danh thắng, Bà Nà- Suối Mơ (Đà Nẵng) với độ cao gần 1.500 mét so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm như Đà Lạt, Sa Pa của miền Trung; Cù Lao Chàm, biển Cửa Đại (Quảng Nam); Núi Ấn - Sông Trà (Quảng Ngãi) - đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi,... Đặc biệt, với chiều dài hơn 1.300 km chạy suốt từ đèo hải Vân đên bãi biển Hàm Tân (Bình Thuận), trong đó nổi bật nhất là bãi biển Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng) được bình chọn là 1/6 bãi tắm đẹp và hấp dẫn nhất hành tinh; Vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) là 1/29 vịnh đẹp nhất thế giới. Cùng với các danh thắng, các vịnh và bãi tắm đẹp, vùng đất này còn có bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); cụm đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi); bán đảo Phương Mai, đảo Cù Lao Xanh (Bình Định); Hòn Chùa, Hòn Yến (Phú Yên); các đảo Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Thị, Hòn Yến- Vịnh Nha Trang (Khánh Hoà); đảo Phú Quý, Hòn Bà (Bình Thuận)...

Đây cũng là vùng đất lịch sử và con người để lại nhiều di tích, nhất là nền văn hoá Chăm rực rỡ một thời. Đó là Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng, nới lưu giữ và trưng bày gần 2.000 cổ vật; khu thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên-Quảng Nam) nơi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới; vùng đất Bình Định - kinh đô xưa của Vương quốc Chăm Pa suốt 5 thế kỷ (từ thế kỷ IX- XV) với nhiều di sản còn lưu giữ đến ngày nay; Tháp Bà (Nha Trang), tháp Pokrong Grai (Ninh Thuận), tháp Poshanư (Bình Thuận) và nhiều tháp khác với nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Chăm Pa độc đáo. Tại vùng này còn nhiều di tích nổi bật như phố cổ Hội An với hơn 400 năm đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn, được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới năm 1999; khu di tích Vua Quang Trung ở Tây Sơn (Bình Định), nơi lưu giữ nhiều hiện vật của Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Sơn Tây; các di tích bảo tàng Ba Tơ, Trà Bồng, khu chứng tích Sơn Mỹ, mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Khu llưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), di tích Núi Thành (Quảng Nam)…

Theo số liệu của ngành du lịch các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, đến năm 2010 cho thấy toàn vùng đón tiếp, phục vụ hơn 2,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân hơn 11%/năm và tăng gần 1 triệu lượt khách quốc tế so với năm 2005. Về doanh thu ngành du lịch trong năm 2010 đạt doanh số 6.875 tỷ đồng, tăng bình quân gần 25%/năm và tăng 304% so với doanh thu năm 2005. Đối với cơ sở lưu trú du lịch giai đoạn 2005- 2010, đối với cơ sở lưu trú du lịch giai đoạn 2005- 2010 được xếp hạng theo sao, nếu năm 2005 toàn vùng chỉ có 768 cơ sở lưu trú với 19.288 buồng (phòng), thì đến năm 2010 đã tăng lên 1.240 cơ sở với 36.817 buồng, tăng bình quân 10,1% về cơ sở lưu trú và tăng 13,8% về buồng ngủ. Trong đó riêng cơ sở 4 sao có 36 cơ sở với 4.179 buồng ngủ và 5 sao có 13 cơ sở với 2.612 buồng ngủ. 

Hướng phát triển kinh tế du lịch biển, đảo những năm tới

Nhận thức được những tiềm năng, lợi thế đã nêu trên, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải Nam Trung bộ đã có nhều cơ chế và chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế du lịch nói chung, kinh tế biển, đảo nói riêng. Nhờ đó đến năm 2011 này cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch biển, đảo được xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại, nhất là tại các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà, TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động làm việc trong ngành kinh tế du lịch đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ…dần dần đảm bảo phục vụ đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo “Khai thác tiềm năng biển, đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung” nhiều đại biểu đã đánh giá, phân tích kỹ những mặt còn hạn chế, yếu kém của miền Trung. GS.TSKH Lê Du Phong, Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng: Đối với việc phát triển ngành du lịch biển, đảo tại vùng duyên hải Nam Trung bộ mặt hạn chế, yếu kém nhất hiện nay đó là: Thiếu một quy hoạch chung; tình trạng mạnh địa phương nào địa phương ấy làm là chính, nên sự chồng chéo, sự lãng phí nguồn tài nguyên, lãng phí tiền của công sức rất lớn.

Để khắc phục những yếu kém, hạn chế nêu trên, nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo cho rằng: Trước hết, các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải Nam Trung bộ cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất và tập trung giải quyết một số vấn đề lớn đó là: Nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện có cơ sở khoa học về tiềm năng du lịch nói chung, tiềm năng du lịch biển, đảo nói riêng của cả vùng cũng như của từng địa phương, để làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển du lịch trong thời gian tới mạnh hơn. Trên cơ sở quy hoạch và chiến lược phát triển đã đề ra, các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng đồng bộ và hiện đại các cơ sở vật chất, kỹ thuật thiết yếu cho sự phát triển của ngành kinh tế du lịch. Mỗi địa phương cần có sự đầu tư cho việc nghiên cứu các loại sản phẩm du lịch biển, đảo với mục tiêu phải tạo ra được các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu của từng đối tượng du khách.

Muốn nâng cao chất lượng phục vụ du khách, các tỉnh phải tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm việc trong nhành du lịch, đặc biệt là kiến thức chuyên môn, giao tiếp, phục vụ. Từng địa phương phải gắn chặt giữa du lịch biển, đảo với các hình thức du lịch khác như du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, đồng thời phải có sự liên kết, gắn kết mật thiết giữa các tỉnh và gắn kết du lịch trong vùng với du lịch các vùng lân cận nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế du lịch vùng, miền theo hướng phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, nếu các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ tập trung khắc phục được những mặt hạn chế, yếu kém nêu trên, thì tin tưởng rằng trong thời gian không xa chắc chắn kinh tế du lịch biển, đảo nói riêng, kinh tế du lịch nói chung của vùng duyên hải Nam Trung bộ sẽ là ngành kinh tế phát triển mạnh, tạo bước khởi sắc mới cho ngành kinh tế biển, đảo duyên hải Nam Trung bộ và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước.

Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Lâm
(TTXVN tại Quảng Ngãi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN