Lương tăng nhưng giá không 'té nước theo mưa'

Từ 1/5, lương tối thiểu chính thức tăng thêm 26,5%, từ mức 830.000 đồng lên 1,05 triệu đồng/tháng. Lương tăng, giá cả theo đó mà “leo thang” là chuyện thường xảy ra. Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên thị trường trong nửa tháng qua cho thấy, giá hàng hóa tương đối ổn định dù lương tối thiểu đã tăng.

 

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.op mart Phú Thọ. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

 

Dù giá xăng dầu có tăng, lương tối thiểu được điều chỉnh, giá cả trên thị trường thời gian qua chỉ biến động nhẹ bởi yếu tố mùa vụ. Logic tăng giá lần này đã phần nào bị vô hiệu hóa trong bối cảnh nền kinh tế đang “ốm yếu”. Thực tế là từ đầu năm đến nay giá xăng tăng đã tăng 3 lần, lương cơ bản cũng được điều chỉnh tăng đến gần 30% nhưng thị trường thực phẩm hầu như vẫn “án binh bất động” và không có biểu hiện của hiệu ứng “té nước theo mưa”. Khảo sát của phóng viên cho thấy, bên cạnh một số ít mặt hàng tăng giá đột biến do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời tiết nắng nóng thì đa số các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn có giá tương đối ổn định.

 

Theo lý giải của TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, lạm phát của năm 2011 vẫn đang tác động đến thị trường năm 2012. Thị trường không thể chấp nhận mức tăng cao hơn nữa khi giá cả của năm trước đã quá cao. Cùng với đó, dù lương tối thiểu có tăng nhưng thu nhập của đại bộ phận người dân vẫn chưa cao và không ổn định. Điều đó kéo theo việc người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu để ổn định tài chính cá nhân và gia đình.

 

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất cũng như trong siêu thị còn khá nhiều mà người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu để đối phó với bão giá. Cung tăng mà cầu lại giảm nên buộc thị trường phải điều chỉnh giá hợp lý mới mong kéo được nhu cầu của người tiêu dùng quay trở lại. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải dùng “chiêu” khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

 

Đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cũng cho thấy sức mua hàng hóa trên thị trường đã liên tục giảm trong thời gian qua, tiêu thụ của người dân đối với một số mặt hàng thiếu yếu như thực phẩm, tiêu dùng... đều giảm nhiệt. Thực tế trong tháng 3, mặc dù việc tăng giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ tác động lớn đến giá cả hàng hóa cuối tháng 3 - đầu tháng 4 nhưng trên thực tế giá hàng hóa đã không thể tăng do sức mua yếu, việc tăng giá xăng dầu gần như chỉ tác động đến giá cước vận tải, chi phí vận chuyển và các dịch vụ khác.

 

Nhiều tiểu thương cũng nhận định , mức giá cả hiện nay đã khá cao khiến đa phần các bà nội trợ phải “nâng lên đặt xuống” khi mua sắm. Do đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân vô hình chung bị hạn chế, lượng hàng bán ra cũng theo đó mà giảm đáng kể. Như vậy, hiện tượng “té nước theo mưa”, mượn cớ tăng lương để tăng giá vô tội vạ các mặt hàng thiết yếu đã không diễn ra như "kịch bản" các năm trước. Nguyên nhân sâu xa là do nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ khó khăn, nếu cứ đẩy giá lên cao thì người tiêu dùng vẫn buộc phải thắt chặt chi tiêu. Chính vì vậy, nhận định về biến động giá cả trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng khó có sự biến động lớn. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường vẫn phải xiết chặt để tránh tăng giá vô lý, đặc biệt với các mặt hàng nhạy cảm như sữa, thực phẩm.

 

Theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước, dự kiến tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sẽ tăng khoảng 0,15 - 0,2% so với tháng 4. Mức tăng này cao hơn tháng 4 do tác động của việc tăng giá xăng dầu, việc tăng lương cơ bản từ 1/5, nhưng đây vẫn tiếp tục là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, việc hạ giá xăng hồi đầu tháng 5 cũng là một tín hiệu tích cực cho kỳ vọng giảm CPI.

 

 

Đỗ Huyền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN