Lúng túng phương án đấu giá và sử dụng cát tại Lâm Đồng

Đã gần 2 năm qua, thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gặp phải tình cảnh trớ trêu trong công tác quản lý. Đó là việc hàng trăm ngàn m3 cát, sỏi khai thác tận thu từ việc nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi đang bị bỏ không trên bờ, để mỗi cơn mưa lại trôi trở lại lòng hồ. Trong khi các công trình xây dựng của Nhà nước, của người dân lại đang phải mua cát, sỏi từ các tỉnh khác vận chuyển tới với giá gấp gần 3 lần giá gốc.

Chú thích ảnh
Hàng trăm ngàn m3 cát tận thu từ nạo vét các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn bị bỏ hoang do vướng cơ chế.

Lãng phí tài nguyên

Có mặt tại hồ thủy điện Đa Nhim ở thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) ngày 9/9/2024, phóng viên TTXVN chứng kiến hàng chục ngàn m3 cát chất cao gần chục mét bỏ hoang bên bờ hồ thủy điện từ nhiều tháng qua; đã có những vị trí cát bị trôi trở lại lòng hồ vô cùng lãng phí. Dưới lòng hồ, hàng chục tàu bè cùng thiết bị nạo vét chống bồi lắng lòng hồ trị giá hàng tỷ đồng nằm han rỉ. Nhiều diện tích lòng hồ, bùn đất đã bồi lắng trở lại, làm nổi lên các cồn cát. Tình trạng này về lâu dài sẽ khiến cho dung tích hồ chứa bị thu lại, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh điện, hay cấp nước cho sản xuất nông nghiệp…

Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư PITC Lâm Đồng (Công ty được UBND tỉnh cấp giấy phép, cho phép thực hiện hoạt động nạo vét phòng chống bồi lắng, kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi làm vật liệu xây dựng trên lòng hồ thủy điện Đa Nhim) cho biết: Từ tháng 3/2023, UBND tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp dừng bán cát sỏi tận thu được ra thị trường. Sau đó doanh nghiệp không thể tiếp tục công việc nạo vét do các bãi chứa đã quá tải, nên đơn vị dừng hoạt động từ hơn 1 năm nay. Thời điểm đo đạc gần đây nhất, khối lượng cát tập kết tại các bãi của đơn vị lên tới 40.770 m3. Một số trận mưa lớn gần đây khiến một lượng cát đã chảy trở lại lòng hồ, gây lãng phí tài nguyên; trong khi các công trình trên địa bàn lại phải đi mua cát, sỏi từ tỉnh khác với giá cao hơn rất nhiều.

Theo công bố giá vật liệu xây dựng tháng 8/2024 của Sở Xây dựng Lâm Đồng, cát xây, cát đúc tại thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận có giá từ 500.000 - 590.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá bán lẻ cát xây, cát đúc ở Ninh Thuận chỉ từ 250.000 - 280.000 đồng/m3; tỉnh Bình Thuận có giá 270.000 - 290.000 đồng/m3…

Qua khảo sát, giá cát xây dựng tại khu vực phía Bắc tỉnh Lâm Đồng gồm thành phố Đà Lạt và các huyện giáp ranh mới chỉ tăng đột biến trong gần 2 năm qua. Nguyên nhân do bị đứt gãy nguồn cung cát, sỏi từ các doanh nghiệp chuyên nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn để tận thu cát, sạn, sỏi làm vật liệu xây dựng bán ra thị trường. Giá vật liệu xây dựng bất ngờ tăng cao, khiến cho các doanh nghiệp đang thi công những công trình của Nhà nước hay của tư nhân đều gặp khó khăn.

Chú thích ảnh
Các tàu nạo vét bồi lắng trên hồ thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) ngừng hoạt động vì không còn bãi tập kết bùn, cát được nạo hút.

Loay hoay tìm phương án

Ngày 21/2/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có Báo cáo số 76/BC-STNMT căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định: UBND tỉnh tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước, cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa. Căn cứ báo cáo này, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản số 2096/UBND-TL, yêu cầu các doanh nghiệp nạo vét các lòng hồ thủy lợi, thủy điện ngừng tự bán cát, sỏi tận thu ra thị trường với lý do tài nguyên, khoáng sản thu được là tài sản của Nhà nước. Do đó khối lượng khoáng sản này phải được thu hồi để các cơ quan Nhà nước bán đấu giá, nộp ngân sách. Kinh phí các doanh nghiệp đầu tư máy móc, nhân công, nhiên liệu… phục vụ nạo vét lòng hồ do chủ hồ phải trả, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ chi phí này. Các nội dung này có trong các văn bản số 1753 và 1814/UBND-TL ngày 7 và ngày 11/3/2024 của UBND tỉnh.

Sau khi yêu cầu các doanh nghiệp nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi không được tự ý bán cát, sỏi ra thị trường, UBND tỉnh Lâm Đồng bắt đầu ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp và UBND các huyện, thành phố tham mưu, đề xuất phương án bán đấu giá khối lượng cát, sỏi thu được từ lòng hồ để nộp ngân sách Nhà nước. Điển hình văn bản số 489/UBND-TL ngày 16/1/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện đấu giá tài sản là khoáng sản gồm cát, sạn, sỏi tận thu trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Nhưng từ tháng 3/2023 đến nay, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Lâm Đồng vẫn loay hoay chưa tìm ra phương án để tổ chức bán đấu giá lượng khoáng sản khổng lồ này. Cụ thể các sở không tìm ra quy định có tính pháp lý nào về việc bán đấu giá khoáng sản thu được thông qua việc nạo vét lòng hồ.

Trước những thắc mắc của dư luận xã hội, ngày 12/9/2024, Sở Tài chính Lâm Đồng là đơn vị được giao chủ trì hoạt động tổ chức đấu giá này đã có văn bản số 2126/STC-GCS trả lời phóng viên TTXVN. Tại văn bản này, ông Nguyễn Ngọc Nhi, Phó giám đốc Sở thông tin: thực hiện văn bản số 2829/UBND-TL ngày 11/4/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm và phương án đấu giá cát nạo vét tại các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Theo đó, Sở Tài chính nhận được phương án của 2 địa phương là UBND huyện Đơn Dương, UBND huyện Đức Trọng đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm và phương án bán đấu giá cát nạo vét tại các lòng hồ hồ.

Tuy nhiên, qua đánh giá của các Sở ngành (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường) thì phương án cần bổ sung hồ sơ kiểm định chất lượng cát, xác định khối lượng cát của đơn vị có chức năng và rà soát giá thị trường tại địa phương... Do đó, Sở Tài chính đã ban hành Văn bản số 1620/STC-GSC ngày 18/7/2024 đề nghị các địa phương bổ sung hồ sơ vào phương án giá khởi điểm đấu giá và phương án bán đấu giá. Đến nay, Sở Tài chính chưa nhận được hồ sơ bổ sung. Sau khi các địa phương nộp hồ sơ hoàn chỉnh, bảo đảm các yêu cầu, thông tin, Sở Tài chính và các ngành tiếp tục thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm và phương án bán đấu giá để làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, thị trường vật liệu xây dựng của tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng bởi khan hiếm cát, sỏi phục vụ xây dựng và giá loại vật liệu này quá cao so với các tỉnh giáp ranh…

Bài, ảnh: Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Tháo gỡ khó khăn về nguồn cát thi công cao tốc
Tháo gỡ khó khăn về nguồn cát thi công cao tốc

Tỉnh Sóc Trăng có 5 mỏ cát trong quy hoạch được cấp phép mới với tổng diện tích hơn 450 ha, trữ lượng hơn 11 triệu m3. Các mỏ cát này nằm trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng, được UBND tỉnh Sóc Trăng lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN