Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm ngưng dịch vụ giữ hộ vàng (ngày 4/7), sau đó ngày 11/7 lại cho phép giữ vàng trở lại (với yêu cầu phải có giấy phép) khiến nhiều ngân hàng lúc “mở”, lúc “đóng” dịch vụ này, gây tâm lý lo lắng cho người muốn tìm nơi cất giữ vàng an toàn.
Ngân hàng lưỡng lự
Quyết định tuần đầu tháng 7 của NHNN về việc yêu cầu một số NHTM tạm dừng cung cấp dịch vụ nhận giữ hộ vàng cho người dân được cho là xuất phát từ những lo ngại về việc có hay không khả năng một số tổ chức tín dụng đẩy mạnh dịch vụ giữ hộ vàng của người dân để “lách” quy định cấm ngân hàng huy động và cho vay vàng có hiệu lực từ ngày 30/6 vừa qua. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là bước đi tiếp theo của NHNN nhằm kiểm soát thị trường vàng. Động thái này cũng nhằm mục tiêu khiến người dân phải cân nhắc khi quyết định nắm giữ kim loại quý, nằm trong mục tiêu tăng cường chống “vàng hóa”.
Dịch vụ giữ hộ vàng có thu phí tại các ngân hàng vẫn thu hút nhiều người. Ảnh: Lê Phú |
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này cần độ trễ bởi thói quen tích trữ vàng của người dân, cùng với việc các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản không “hút” khách. Chính vì vậy, việc các ngân hàng ngay tức thì ngưng giữ hộ vàng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân đang giữ vàng. Dịch vụ giữ hộ vàng vẫn cần thiết vào thời điểm này.
Đến 11/7, NHNN công bố: Muốn giữ hộ vàng, ngân hàng phải có giấy phép. NHNN cho phép một số NHTM liên quan đã có giấy phép do NHNN cấp được thực hiện các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ - két an toàn, bao gồm cả dịch vụ giữ hộ vàng theo quy định. Với các ngân hàng chưa được NHNN cấp phép thực hiện các dịch vụ này nhưng vẫn còn số dư các khoản vàng đang giữ hộ khách tại thời điểm từ 5/7/2013 thì vẫn tiếp tục được giữ các khoản vàng giữ hộ đó cho tới khi đến hạn thanh toán. Thậm chí, các ngân hàng này sẽ được xem xét gia hạn các khoản vàng giữ hộ đó nếu khách hàng đề nghị. Trường hợp các ngân hàng không còn khoản vàng giữ hộ của khách đến thời điểm 5/7 thì không được phép nhận mới các khoản vàng giữ hộ của khách hàng cho tới khi được NHNN cấp phép. Đặc biệt, NHNN nghiêm cấm các đơn vị này sử dụng vàng giữ hộ của khách hàng trái với quy định pháp luật. Ngoài các tổ chức tín dụng đã được cấp phép giữ hộ vàng, NHNN yêu cầu các đơn vị có nhu cầu cung cấp dịch vụ này phải làm hồ sơ đề nghị cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, đến 15/7, dù đã có quy định mới của NHNN về việc cho phép giữ hộ vàng nhưng tại một số NHTM như Eximbank, ACB, Đông Á, Sacombank, Vietinbank, VIB..., dịch vụ “nhận giữ hộ vàng” đã được tạm ngưng và chưa biết khi nào mới mở trở lại. Chỉ có một số ngân hàng vẫn tiếp tục nhận giữ vàng, nhưng với điều kiện chỉ giữ vàng miếng thương hiệu SJC. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng chưa tái khởi động dịch vụ giữ hộ vàng là NHNN khi bãi bỏ lệnh cấm, đồng thời yêu cầu NHTM chưa có giấy phép hoạt động các dịch vụ này thì không được phép nhận giữ vàng mới; đồng thời nghiêm cấm dùng vàng của khách hàng làm tài sản thế chấp, vay mượn tài sản. Ngân hàng nào có nhu cầu hoạt động dịch vụ trên thì phải làm hồ sơ đề nghị NHNN cấp phép. Động thái trên dường như đã khiến cho NHTM không còn dám thông qua “cửa lách” dịch vụ “giữ hộ” để huy động vàng, nên cũng chẳng mặn mà với việc giữ hộ chỉ để thu phí. Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý đánh giá: Có thể các ngân hàng không nhận thấy lợi ích của hoạt động này nữa nên không làm.
Cẩn trọng với dịch vụ “giữ vàng”
Lâu nay, nhiều người dân nhờ ngân hàng giữ hộ vàng với mục đích an toàn và tiện lợi. Chính vì vậy, dù mất phí nhưng dịch vụ giữ hộ vàng tại các ngân hàng vẫn thu hút nhiều người. Đặc biệt, cận thời hạn các tổ chức tín dụng phải chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng (ngày 30/6), dịch vụ giữ hộ vàng có thu phí bắt đầu nở rộ. Loại hình dịch vụ này thu mức phí rất thấp (khoảng 1.000 đồng/chỉ/tháng) khiến nhiều người băn khoăn đây có thể là biến tướng của hình thức huy động vàng và người dân sẽ không lấy lại được vàng theo số seri họ gửi lúc đầu (nghĩa là số vàng gửi vào sẽ được đưa đi quay vòng).
Theo quy định của NHNN, các tổ chức tín dụng không được huy động vàng của người dân, trong khi các công ty kinh doanh vàng bạc vẫn được phép huy động vàng của người dân. Vì vậy, một số khách hàng cá nhân cho biết họ đang tìm đến các công ty kinh doanh vàng có uy tín để gửi vàng. Tại đây, mặc dù lãi suất huy động vàng rất thấp (chỉ khoảng hơn 1%/năm) nhưng người dân vẫn đến gửi vì họ có thể gửi vào một nơi an toàn hơn và được hưởng lãi.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, hình thức gửi này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên người dân cần lựa chọn các công ty có uy tín để "chọn mặt, gửi vàng". TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, việc có hướng dẫn, quy định rõ ràng về giữ hộ vàng ở các NHTM sắp tới là rất cần thiết. Trường hợp doanh nghiệp giữ hộ vàng thì phải có chế tài chuyên nghiệp, quy định biện pháp giải quyết khi có rủi ro và cách đem lại quyền lợi cho người gửi. TS Cao Sĩ Kiêm cũng khẳng định, chế tài rõ ràng, thông thoáng sẽ bảo vệ được quyền lợi cho người dân khi gửi vàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN khi duy trì hoạt động giữ hộ vàng cần phải có chế tài rõ ràng cho loại hình dịch vụ này để tránh biến tướng.
Theo ước tính, đến trước khi chính thức ngừng huy động, số vàng gửi tại hệ thống ngân hàng lên tới khoảng 100 tấn. Như vậy, từ nay đến khi có hướng dẫn cụ thể, những người có thói quen tích trữ vàng, người đang nhờ ngân hàng giữ hộ sắp đến ngày đáo hạn phải mang vàng về cất tại nhà mình. Tìm một “két” an toàn là điều mà người có vàng đang trông đợi.
Chờ đợi chứng chỉ vàng
Như vậy, phương thức cất trữ vàng mới đã xuất hiện song song với thói quen trữ vàng tại nhà của dân, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó quản lý. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, có lẽ nên áp dụng quy định cấm huy động vàng với cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng để tránh tạo ra sự không nhất quán của các tổ chức tài chính, để đạt mục tiêu chống “vàng hóa”. NHNN có khả năng huy động vàng nên có thể phát hành chứng chỉ vàng hay trái phiếu bảo đảm bằng vàng và trả lãi cho người dân, đồng thời NHNN cho Chính phủ vay để phục vụ mục đích phát triển kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN cần sớm có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về giữ hộ vàng, đặc biệt là vàng miếng để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, cũng như kiểm soát chặt chẽ dịch vụ này để tránh biến tướng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ rất lãng phí nếu như nguồn vàng trong dân bị nằm yên trong két của các gia đình trong khi nền kinh tế vẫn đang “khát” vốn. Chính vì vậy, thay vì tìm giải pháp để người dân từ bỏ thói quen giữ vàng, NHNN nên tính giải pháp huy động số vàng trong dân, biến nó thành nguồn lực của quốc gia phục vụ cho nền kinh tế.
PV - ĐH