Lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long Bình Thuận

Chiều 28/4, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn “Lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long tại Bình Thuận”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo tham vấn “Lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long tại Bình Thuận”.

Bà Bùi Mỹ Bình, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với  UNDP xây dựng dự án Tăng cường tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định. Mục tiêu nhằm thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, các hợp tác xã, doanh nghiệp vào quá trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Dự án sẽ thực hiện các hoạt động tích hợp tập trung vào xây dựng mô hình kinh doanh trong chuỗi cung ứng cây ăn quả là thanh long và chuỗi thủy sản tôm. Với nguồn lực dự án có hạn nên đối với thanh long, chúng tôi chỉ triển khai thí điểm tại Bình Thuận bởi đây là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất hiện nay. Đây cũng lĩnh vực đang trong quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, sản xuất xanh, sử dụng hợp lý tài nguyên và vấn đề truy xuất nguồn gốc. Từ thành công của mô hình này sẽ có cơ hội nhân rộng đối với chuỗi các loại nông sản khác.

Theo bà Bùi Việt Hiền, cán bộ Dự án UNDP Việt Nam, tham gia dự án sẽ là cơ hội sản xuất kinh doanh nông nghiệp bền vững ở các khía cạnh như: phát triển các giá trị gia tăng mới của nông sản (có chứng chỉ xuất xứ nguồn gốc “thương mại xanh”, thân thiện môi trường, phát thải thấp, không có dấu chân carbon, không phá rừng...); phục vụ nhu cầu khách hàng đòi hỏi các sản phẩm có dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe, an toàn; nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh với công nghệ cao, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp cận cơ chế ưu đãi…

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa, Trưởng nhóm tư vấn Lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long Bình Thuận phát biểu tại Hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều đề xuất can thiệp đối với dự án để xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long. Theo đó, can thiệp về kỹ thuật như: Trình diễn mô hình sản xuất kinh doanh thanh long xanh hơn bằng cách thay thế đèn compact bằng đèn Led và sử dụng năng lượng mặt trời trong quá trình sấy thanh long. Can thiệp về chính sách như: Hỗ trợ triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử, truy xuất nguồn gốc tại khu vực dự án dựa trên dữ liệu E-Farm ID và theo dõi lượng phát thải dọc theo các tác nhân trong chuỗi (thí điểm trên chuỗi sản xuất thanh long GlobalGAP trước). Can thiệp về tài chính như: Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và hợp tác xã, hiệp hội trong chuỗi giá trị xanh tiếp cận nguồn quỹ và các tổ chức tài chính khác…

Ông Trần Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, một trong những hợp tác xã đi đầu của tỉnh Bình Thuận trong việc vận động nông dân sản xuất thanh long sạch cho biết, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn sạch thì mức độ lợi nhuận của thành viên tăng lên rõ rệt. Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế nên phải sản xuất nông sản sạch mới mong đứng vững trên thị trường thế giới.
 
Theo ông Trung, không còn con đường nào khác ngoài việc sản xuất theo quy trình an toàn để có đầu ra ổn định. Trồng theo quy trình VietGap, GlobalGAP, trái thanh long sau thu hoạch đảm bảo không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người dùng vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho hay, việc phát triển chuỗi cung ứng thanh long đòi hỏi quá trình lâu dài, đặc biệt theo hướng tăng trưởng xanh. Do vậy, phải xây dựng một lộ trình lâu dài cho chuỗi cung ứng thanh long hiện nay tại tỉnh Bình Thuận, có sự kết hợp yếu tố môi trường vào quản trị chuỗi cung ứng thanh long bao gồm: thiết kế sản phẩm, tìm kiếm và lựa chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng...

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo tham vấn “Lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long tại Bình Thuận”.

Theo ông Tấn, hiện nay diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh đã đạt và duy trì hơn 11.400 ha được chứng nhận. Thông qua Chương trình trên, với nền tảng sản xuất và duy trì sản xuất theo hướng an toàn (GAP), người dân và ngành nông nghiệp Bình Thuận mong muốn được tham gia vào lộ trình xanh hóa cho chuỗi cung ứng do UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Vì vậy, cần sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UNDP để xây dựng và vận hành cho lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long nhằm phát triển sản phẩm thanh long Bình Thuận nói riêng và thương hiệu thanh long Việt Nam nói chung lên một tầm cao mới và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Năm 2020, diện tích đạt 33.750 ha với sản lượng khoảng 700.000 tấn. Hiện nay, thanh long được trồng tại 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 11.400 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 34% tổng diện tích) và gần 355 ha được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận phát triển diện tích 30.000 ha, nhưng hiện đã vượt quá quy hoạch 3.750 ha. Điều này đặt ra nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giải quyết nguồn điện sản xuất, quản lý vùng trồng.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Thanh long được mùa, được giá
Thanh long được mùa, được giá

Vụ nghịch 2021, nông dân vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã có lợi nhuận cao, cuộc sống ổn định nhờ thanh long được mùa, được giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN