Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; đầu tư cho vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên.

Chỉ số PCI là thước đo chất lượng kinh tế

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), mặc dù có những tiềm năng to lớn, vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Đây là vùng có mức tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của vùng trung du và miền núi phía Bắc thấp nhất trong cả nước. Cứ 4 hộ đang sinh sống ở đây thì có 1 hộ nghèo. Đây là một tỷ lệ rất cao.

Các doanh nghiệp ký cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013 tại Tuyên Quang.



Trong những năm qua, dù nhiều khó khăn nhưng chính quyền các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc đã tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư. Các tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình, sáng kiến và chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, thu hút nguồn tài trợ nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh.

Tuy nhiên, thành công của các nỗ lực này còn hạn chế và dường như mới chuyển biến nhanh tại một số tỉnh, sự phát triển của doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố gần nhất, tổng nguồn vốn đầu tư trong nước vào vùng Tây Bắc đạt 320.000 tỷ đồng, dù tăng hơn 58.000 tỷ đồng so với năm trước nhưng con số này mới chỉ chiếm 2% tổng vốn đăng ký đầu tư trên toàn quốc. Thống kê cho thấy, cả vùng chỉ có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động (tương đương 4,4% so với cả nước). Tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người của vùng chỉ đạt 13 doanh nghiệp/10.000 dân, bằng 1/3 bình quân chung của cả nước và thấp hơn nhiều các vùng khác.

Về thu hút đầu tư nước ngoài FDI, tính đến hết năm 2013, toàn vùng đã thu hút được 442 dự án với tổng số vốn đăng ký là 7,8 tỷ USD, tăng đáng kể so với những năm trước đó. Tuy nhiên, khi so sánh con số 442 dự án của vùng này với gần 16.000 dự án của cả nước thì chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Như vậy, có thể thấy khu vực miền núi phía Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Khi ít doanh nghiệp, ít đầu tư chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình trạng đảm bảo việc làm cho người dân, thu ngân sách của các địa phương… Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tình trạng nghèo đói, dịch vụ kém phát triển, tình trạng di dân, thiếu nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội và duy trì ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Thực tế vùng trung du và miền núi phía Bắc chưa thực sự là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tất nhiên, điều này có những khó khăn khách quan về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn kém phát triển. Nhưng liệu những khó khăn này là những lý do duy nhất? Và liệu không thể có lối thoát giải quyết những khó khăn này? Vùng này vẫn là vùng có những tiềm năng đáng kể như về vị trí địa lý gần các cửa khẩu quốc tế quan trọng, có sẵn vùng nguyên liệu tốt cho một số ngành công nghiệp và nông nghiệp, có giá lao động rẻ, các chính sách ưu đãi của Trung ương…

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, năng lực điều hành kinh tế, mức độ cải cách hành chính, sự hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng hay chất lượng nguồn nhân lực chắc hẳn sẽ được khắc phục một phần nếu địa phương có phương pháp điều hành kinh tế tốt, có chiến lược phát triển tốt. Ngược lại, thực tế đã chứng minh nhiều địa phương có sẵn nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng lại không bứt phá, thu hút đầu tư được tương xứng với lợi thế có sẵn này.

Một trong những thước đo quan trọng về chất lượng điều hành kinh tế của bộ máy chính quyền là Chỉ số PCI mà VCCI và USAID công bố thời gian qua. Đây là bộ công cụ được phát triển bởi nhóm các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín, thể hiện “tiếng nói” của doanh nghiệp và nhà đầu tư đang hoạt động tại các địa phương. Theo báo cáo PCI những năm gần, ngoại trừ một số tỉnh như Lào Cai và Thái Nguyên, các tỉnh còn lại thuộc khu vực này đều rơi vào nửa cuối bảng xếp hạng. Kết quả chung này cho thấy một cảm nhận chưa thực sự tích cực và nhiều kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế và cải cách thủ tục hành chính của nhiều tỉnh trong vùng.

Nghiên cứu của VCCI cho thấy dư địa cải cách cho các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn rất lớn. Và đây cũng chính là cơ hội cho đẩy mạnh cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Trong khu vực đã có một số tỉnh đã có những bước chuyển tích cực dù không quá khác biệt các tỉnh thành phố khác về vị trí địa lý hay cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi cũng nhận thấy rằng trong những năm gần đây, một số tỉnh trong vùng đã có những nỗ lực nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng điều hành kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Quảng bá tiềm năng, lợi thế của vùng

Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc được tổ chức ngày 4/4/2015 tại Sơn La, sẽ giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc. Gồm các thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp; định hướng phát triển các loại hình dịch vụ, đầu tư chiều sâu để khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch, các ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông lâm sản; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; huy động rộng rãi các nguồn tài trợ gắn với đổi mới phương thức triển khai, nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội. Tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, đồng thời tìm hiểu cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương trong vùng.

Hội nghị có sự tham gia của các nhà đầu tư, đội ngũ doanh nhân, các tổ chức tài chính, tín dụng, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư; lãnh đạo 14 tỉnh vùng Tây Bắc và một số địa phương (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh và Bình Dương).

Đây là diễn đàn cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư gặp gỡ trao đổi về công tác quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư vùng Tây Bắc. Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng sẵn sàng lắng nghe ý kiến của quý vị đại biểu để nghiên cứu, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn trên mỗi địa bàn, nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, các nguồn tài trợ.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Cũng tại hội nghị này sẽ tổ chức ký kết cung ứng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại với đối tác và nhà đầu tư. Một số địa phương sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác với nhà đầu tư; đồng thời ra mắt Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu đã và đang đầu tư trên địa bàn và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào nghèo vùng Tây Bắc.

Bài và ảnh: Viết Tôn

Thận trọng khi phát triển cây Mắc ca ở Tây Nguyên
Thận trọng khi phát triển cây Mắc ca ở Tây Nguyên

Nếu phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch Mắc ca loại cây trồng mới này sẽ mang đến tiền ẩn nhiều rủi ro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN