Kết quả sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định được vai trò trung tâm kết nối cung - cầu hàng hóa khu vực phía Nam và từng bước hợp tác toàn diện về thương mại với các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ, góp phần tăng cường quảng bá hàng Việt trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhờ chương trình kết nối cung cầu hàng hóa triển khai hiệu quả, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã gặp thuận lợi hơn trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ có nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mang tính địa phương và vùng miền, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, để tham gia vào các kênh bán lẻ hiện đại, hệ thống phân phối của TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ không dễ dàng.
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác hoạt động kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vào ngày 31/10/2014. |
Do không nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, các địa phương thường rơi vào tình trạng sản xuất và cung cấp hàng hóa mình có mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường. Điều này dẫn tới, nhiều loại hàng hóa, nhất là nông sản của các địa phương thường rơi vào tình trạng được mùa, mất giá. Mặt khác, các nhà bán lẻ chưa tích cực đầu tư xây dựng, hình thành những hệ thống thu mua, kho bãi, địa điểm trung chuyển hàng hóa để hỗ trợ đơn vị sản xuất, kinh doanh địa phương tiêu thụ hàng hóa. Điều này càng làm cho hàng hóa tại các địa phương khó tiếp cận thị trường các thành phố lớn. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của các địa phương đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, lợi ích thiết thực nhất mà chương trình mang đến cho người nông dân và các đơn vị chăn nuôi, là được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, an tâm đầu tư sản xuất và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tính riêng năm 2013, thành phố Cần Thơ có 15 doanh nghiệp ký kết 24 bản ghi nhớ ký với 5 nhà phân phối lớn gồm Co.opmart, Maximark, Citimart và siêu thị tư nhân Tứ Sơn. Các hợp đồng ghi nhớ này đã được triển khai và bước đầu có hiệu quả, điển hình như trại rau An Bình, rượu mật Sáu Tia, bánh tét lá cẩm… đã có sản phẩm đưa vào kinh doanh tại các hệ thống siêu thị này.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sau 3 năm thực hiện, hoạt động kết nối cung - cầu đã xúc tiến ký kết 520 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm; doanh thu hai chiều đạt tổng giá trị hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp thành phố tiêu thụ hàng hóa với trị giá hơn 13.000 tỷ đồng của các tỉnh thành Đông - Tây Nam Bộ và cung ứng hàng hóa với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng của cho các địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 69 dự án đầu tư, liên kết sản xuất với tổng số vốn gần 24.000 tỷ đồng tại các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ, trong đó đi đầu trong chương trình này là các đơn vị như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Ba Huân…
Đánh giá về hiệu quả của chương trình hợp tác này, lãnh đạo nhiều tỉnh thành phía Nam nhấn mạnh: Chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ đã trở thành công cụ tiếp thị, kênh giới thiệu hàng hóa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp của các địa phương tiếp cận với những hệ thống phân phối hiện đại một cách thuận lợi hơn và hiệu quả hơn, đồng thời giúp cho doanh nghiệp phân phối, nhà bán lẻ TP Hồ Chí Minh có thể tìm được các đầu mối cung ứng hàng hóa uy tín, chất lượng, giảm thiểu cho phí khảo sát, tìm kiếm nguồn hàng và thu mua nguồn nguyên liệu.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Chương trình không chỉ là nền tảng xây dựng mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ, mà còn tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc như: rượu Ba Kích (Quảng Ninh), miến Dong (Bắc Cạn)… Ngoài ra, Chương trình đã gắn kết chặt chẽ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp đồng bộ xử lý kịp thời tình hình biến động thị trường tạo sự ổn định về nguồn cung hàng hóa, giá cả thị trường và trao đổi kinh nghiệm.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:
Bảo đảm cung cầu hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành
Chương trình Chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ này được khởi nguồn từ mục tiêu tạo nguồn hàng ổn định, có chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý cho Chương trình Bình ổn thị trường và để thực hiện đa dạng hóa chủng loại hàng Việt Nam tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của TP Hồ Chí Minh đi đến mọi miền đất nước. Theo đó, từ cuối năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã chủ động đề nghị và cùng ký kết hợp tác thương mại với các tỉnh thành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh xây dựng nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa cho người dân TP Hồ Chí Minh và tại các tỉnh, thành. Thời gian tới TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường khuyến khích DN TP Hồ Chí Minh thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, nhân lực, kỹ thuật… cho các DN, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành để sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, Haccp…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết thuận lợi
Thông qua Chương trình hợp tác thương mại, TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện liên kết xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường. Chương trình thật sự là một trong những công cụ điều tiết thị trường một cách hiệu quả của TP Hồ Chí Minh, đồng thời là động lực để khuyến khích các địa phương tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ, phục vụ nhu cầu trong nước, phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nên tiếp tục chủ đồng rà soát các DN, đơn vị sản xuất có tiềm năng để hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu… Đồng thời, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phù hợp để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và hệ thống bán lẻ phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí phục vụ cho các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. |
Hải Yên - Mỹ Phương