Kết nối cung - cầu hàng hóa: Phải tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng cao

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa mang lại hiệu quả hơn, TP Hồ Chí Minh và các địa phương cần liên kết chặt chẽ hơn để tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng cao.

Nguồn cung hàng hóa chưa ổn định

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, một số hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Nguyên nhân, nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương lại do DN có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại. Mặt khác, các đơn vị sản xuất này cũng chưa có điều kiện tiếp cận được quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp nhận hàng hóa tại các hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Dẫn chứng thực tế từ ngành hàng nông sản, thực phẩm, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, vấn đề lo ngại nhất là nhiều địa phương có chủng loại sản phẩm giống nhau nên khó cân đối cung - cầu. Mặc dù sản phẩm của nhiều địa phương đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định nhưng các nhà bán lẻ không thể thu mua hết hàng hóa ở các tỉnh, thành phố mà phải ưu tiên chọn nguồn cung tại chỗ hoặc những vùng lân cận, nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển, đầu vào cũng như để đảm bảo tính cạnh trạnh cho hàng hóa.

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa hàng nông sản, thực phẩm vào những kênh phân phối hiện đại, ông Võ Thanh Dương, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Phước An (TP Hồ Chí Minh) cho biết, vấn đề gây cản trở các mặt hàng nông sản, thực phẩm, cung cấp vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, là nhiều nông dân, đơn vị sản xuất không đảm bảo được chất lượng và nguồn cung ổn định. Theo đó, để có thể đưa hàng vào các chợ hiện đại, DN buộc phải đầu tư hệ thống sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap.

Tuy nhiên, các hộ nông dân hợp tác vẫn chưa ý thức được tiêu chí trên nên HTX đôi khi không đảm bảo số lượng và chất lượng theo hợp đồng liên kết. “Nhiều nông dân các tỉnh, thành phố, muốn hợp tác với Hợp tác xã Phước An để đưa hàng vào các hệ thống phân phối TP Hồ Chí Minh, nhưng sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn trong quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và thị hiếu người tiêu dùng thì gặp khó khăn là điều tất yếu”, đại diện HTX nông nghiệp sản xuất Thương mại dịch vụ Phước An thừa nhận.

Quy hoạch vùng sản xuất gắn với dự báo thị trường

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, vấn đề ở đây là làm sao để quy hoạch vùng sản xuất, dự báo thị trường và thông tin cho người nông dân, đơn vị sản xuất nắm bắt nhu cầu thị trường. Từ đó hạn chế tình trạng nông dân ở địa phương sản xuất theo phong trào, tự phát dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá, hàng dội chợ rớt giá…
 
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ đẩy mạnh kế hoạch hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu và đưa chương trình đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu thị trường; trụ vững trong các trung tâm thương mại, siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Lê Văn Khoa, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động quản lý nhà nước, điều phối cung cầu hàng hóa; tổ chức các hoạt động trao đổi hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp các bên liên kết trong đầu tư sản xuất, tạo và khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ, tổ chức và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác hỗ trợ hàng hóa của các tỉnh, thành tiêu thụ trong hệ thống phân phối của thành phố đi vào chiều sâu, không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp cận hệ thống mà cần phải thực hiện, tổ chức rà soát các doanh nghiệp đơn vị sản xuất có tiềm năng để hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu.. .

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng sẽ kết nối các ngân hàng của thành phố với doanh nghiệp các tỉnh, thành; trọng tâm triển khai kết nối ba bên gồm ngân hàng- doanh nghiệp bình ổn thị trường - chuỗi cung ứng bình ổn thị trường là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trồng... tại các địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh trong đầu tư, phát triển sản xuất, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của nhà phân phối và thị trường.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để đẩy mạnh công tác hỗ trợ hàng hóa các tỉnh, thành tiêu thụ trong hệ thống phân phối của thành phố đi vào chiều sâu, các địa phương không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp cận hệ thống phân phối mà cần chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt phải chú trọng xây dựng thương hiệu để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa và đảm bảo đứng chân vững chắc trong hệ thống phân phối hiện đại, hướng tới xuất khẩu.

Hải Yên - Mỹ Phương


Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ
Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ

Kết quả sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam Bộ cho thấy, TP Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định được vai trò trung tâm kết nối cung - cầu hàng hóa khu vực phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN