'Lao tâm khổ tứ' giải bài toán nguyên liệu tôm cho chế biến, xuất khẩu

Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 41% so với cùng kì năm 2021. Trước sự tăng trưởng đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm vừa mừng, nhưng cũng vừa lo vì trong nửa cuối năm 2022, họ sẽ cố gắng xoay xở nguồn nguyên liệu tôm mới có thể đáp ứng các đơn hàng đã kí kết.

Chú thích ảnh
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Hậu Giang). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Mặc dù trải qua nhiều khó khăn và cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới, nhưng trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn đạt mức tăng trưởng như kì vọng, hơn 2 tỷ USD,  tăng 41% so với cùng kì năm 2021. Sự tăng trưởng này được đánh giá là nhờ vào sự tăng trưởng đồng đều của các thị trường.

Để đảm bảo sự tăng trưởng trong cả năm, bài toán nguyên liệu tôm cho chế biến biến và xuất khẩu khiến các doanh nghiệp "lao tâm khổ tứ".

Thị trường tăng đều

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, con tôm Việt Nam đã có mặt ở 85 thị trường trên thế giới. Sau khi các quốc gia ứng phó được dịch COVID-19, đồng loạt "mở cửa" cho hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì nhu yếu phẩm  thực phẩm là những đơn hàng được chú ý trước tiên. 

Cụ thể, Top 4 thị trường lớn nhất tiêu thụ tôm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu tôm, 4 thị trường này đều tăng trưởng mạnh nhập khẩu  tôm Việt Nam; trong đó Trung Quốc tăng mạnh nhất 130%. Riêng xuất khẩu sang khối châu Âu chiếm 16%, đạt hơn 360 triệu USD, tăng 51% so với cùng kì năm 2021. Những thị trường tăng trưởng mạnh trong khối châu Âu gồm: Hà Lan tăng 58%, Đức tăng 35%, Bỉ tăng 91%, Pháp 42%... 

Với sự tăng trưởng này, tôm chân trắng chiếm 74%, với trên 1,6 tỷ USD, tăng 38%. Tôm chân trắng được xuất khẩu sang 76 thị trường. Top 5 thị trường lớn nhất gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Trung Quốc chiếm 65% và đều tăng trưởng 2 con số. Trong đó, chỉ có Nhật Bản tăng khiêm tốn 11%, xuất khẩu sang các thị trường còn lại đều tăng trưởng cao như Canada tăng gần gấp 2 lần, Trung Quốc tăng 76%, Australia tăng 69%, Hàn Quốc tăng 50%, sang Mỹ tăng 34%.

Xuất khẩu sang các nước thành viên châu Âu đều tăng từ 30 – 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sú chiếm 13% với hơn 298 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Tôm sú được xuất khẩu sang 51 thị trường; trong đó, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Canada là 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 56%. Với xuất khẩu tôm hùm tăng gấp 27 lần so với cùng kì đạt 130 triệu USD. 

Lý giải cho sự tăng trưởng này, ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Ngọc Trí chia sẻ, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu thị trường bắt đầu tăng trở lại, các phân khúc nhà hàng, khách sạn đều mở cửa nên nhu cầu nguyên liệu tôm phục vụ cho các món ăn tăng cao.

Thêm vào đó, trong 12 Hiệp định thương mại tự do được kí kết hồi gần cuối năm 2020, thì 8 Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi của EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP, ... đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường như châu Âu, Australia, Malaysia, Canada, Thái Lan, Trung Quốc, Anh,...

Thêm vào đó, ngành tôm có cơ hội tăng tốc trong nửa đầu năm 2022 là bởi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh COVID-19 căng thẳng.

Hơn nữa, tình trạng lạm phát giá trên toàn cầu cũng tác động giá tôm tăng, sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Mỹ, EU… khiến người tiêu dùng để mắt tới ngành hàng này hơn.

Giải bài toán nguyên liệu

Trước sự tăng trưởng của ngành tôm trong những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm vừa mừng, nhưng cũng vừa lo vì trong nửa sau năm 2022 các doanh nghiệp sẽ cố gắng xoay xở nguồn nguyên liệu tôm mới có thể thong thả đáp ứng các đơn hàng đã kí kết. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta chia sẻ, ngành tôm Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nặng của 3 lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Sự tồn tại này dẫn đến ảnh hưởng thúc đẩy ngành tôm phát triển, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó ứng dụng thành tựu khoa học kĩ thuật tăng năng suất nhằm giảm giá thành, khó ứng dụng các quy trình nuôi quốc tế như ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm), BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), khó trong việc đánh mã số cơ sở vùng nuôi. 

Với chỉ tiêu tăng trưởng đề ra cho toàn ngành tôm là 8%/năm, đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm có sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay ngành tôm chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, chiếm 90% trong tổng diện tích tôm cả nước.

Chính vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ trong ngành tôm từ khâu con giống, thức ăn, vật tư đầu vào cho đến khâu tiêu thụ tôm nguyên liệu. Ngay từ năm 2018 đã có mô hình nuôi tôm kiểu này, đạt hiệu quả rất cao, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong nuôi tôm liên kết.

Hiện nay, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã bắt đầu đi theo con đường này, phát triển 20.000 ao tôm hoàn chỉnh và 20.000 ao trong quá trình hoàn chỉnh vòng nuôi khép kín. Với cách nuôi này mỗi ao có thể cho sản lượng 10 tấn tôm/năm. Như vậy, nhu cầu nguyên liệu 1 triệu tấn tôm phục vụ cho chế biến, xuất khẩu là điều có thể đáp ứng được trong thời gian gần nhất.

Xét đến cùng, chỉ có sự liên kết chặt chẽ trong nuôi tôm mới tạo cơ sở thuận lợi cho việc cấp mã số vùng nuôi, từ đó sản xuất theo các chứng chỉ tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, Mỹ mới dễ dàng thực hiện. Nếu các hộ nuôi tôm tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ thì sẽ khó sản xuất theo tiêu chuẩn ASC, bởi chi phí nặng, chỉ các trang trại nuôi quy mô hàng chục, hàng trăm ha mới cán đáng nổi chuyện này, ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.

Nhìn nhận chung về nông nghiệp nói chung, con tôm phục vụ cho xuất khẩu nói riêng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tâm tư, bất kì ngành nghề nào cũng cần "buôn có bạn, bán có phường", con tôm cũng cần có một hội quán, những người tham gia vào chuỗi sản xuất và chế biến tôm khi cùng tham gia chung một hội quán sẽ nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường nhanh nhất. 

Từ đó, chia sẻ được sản lượng nguyên liệu cần có, để người nuôi tôm có quyết định đúng đắn trong mở rộng ao, đìa tôm, lựa chọn ứng dụng khoa học kĩ thuật nào để con tôm có thể đạt được chất lượng, kích cỡ như doanh nghiệp và nhà nhập khẩu mong muốn. Bài toán nguyên liệu tôm, cũng như bài toán nguyên liệu của các mặt hàng thuỷ sản khác đều cần có sự chung tay của các thành viên tham gia chuỗi sản xuất tiêu thụ này. "Đi cùng nhau, mọi người cùng thắng lợi", ông Lê Minh Hoan nói.

Hồng Nhung  (TTXVN)
Thời tiết bất lợi gây thiệt hại hơn 1.000 ha tôm nuôi
Thời tiết bất lợi gây thiệt hại hơn 1.000 ha tôm nuôi

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Trà Vinh, từ đầu tháng 6, vùng nuôi tôm nước mặn và lợ tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và thị xã Duyên Hải đã bị thiệt hại hơn 1.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, với tổng số lượng gần 530 triệu con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN