Câu chuyện làm giàu của ông không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế trên đồng đất quê hương mà còn là điển hình của một người nông dân nhiệt huyết, đam mê với công việc, bắt nhịp xu thế công nghệ, một người sẵn lòng chia sẻ “bí kíp” cho người khác, cho thế hệ trẻ, mong muốn xây dựng ngành chăn nuôi Việt ngày một vươn tầm, vươn xa hơn nữa.
Trăn trở phát triển kinh tế nơi đồng đất quê hương
Là một lão nông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Liên Hà, Đông Anh, ông Hoàng Minh Ngọc cũng từng bươn chải kiếm sống với đủ thứ nghề, từ buôn bán, kinh doanh ô tô, rồi cả xuất khẩu lao động... Cuộc sống của ông không dễ dàng, thậm chí đã có lúc “tay trắng” nhưng với khát vọng làm giàu, ông coi mọi thứ đều là “gian nan thử sức”. Thế nên, sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, ông quyết định dồn tâm sức vào vùng đất “chôn nhau cắt rốn” với một công việc gần gũi đó là nuôi gà. Dĩ nhiên, để có một cơ ngơi như bây giờ không phải là chuyện ngày một ngày hai, cũng không hẳn chỉ đơn giản bắt gà về thả kiểu vườn - ao - chuồng như trước đây.
Ông Ngọc đã lựa cho mình một cách thức khác, bắt nhịp với những cái mới với đam mê, sáng tạo và cũng đầy mạo hiểm. Thậm chí, người nông dân này đã dành nhiều thời gian đi nghiên cứu phương pháp mới ở nước ngoài, học hỏi và tích lũy được kinh nghiệm chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh để ứng dụng vào phát triển trang trại gà của gia đình. Đặc biệt hơn ở người nông dân thật thà, mộc mạc nhưng lại đầy khát vọng đổi đời này chính là một quyết tâm: “Tôi luôn trăn trở phải làm sao để phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình, trở thành mô hình chăn nuôi tập trung tiêu biểu của huyện và thành phố”.
Và thế là, từ những năm 2000 khi ngành chăn nuôi của huyện nhà còn phát triển nhỏ lẻ, manh mún, ông Ngọc đã bàn với vợ đầu tư vào lĩnh vực này. Được sự giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền các cấp, ông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi sản xuất giống gia cầm, bước đầu cho thu nhập ổn định. Thực ra nếu an phận, cuộc sống gia đình ông cũng vào diện có của ăn của để trong vùng nhưng với một người đầy khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu, ông Ngọc luôn ấp ủ ý tưởng và nắm bắt thời cơ để tiếp tục mở rộng và phát triển.
Đến năm 2015, thực hiện chính sách của nhà nước về dồn điền đổi thửa, mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, gia đình ông đã "vượt rào" cải tạo khu đất ruộng để xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung và áp dụng khoa học công nghệ cao. Sau nhiều năm, với nỗ lực và khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của ông đã được người dân hiểu và chính quyền đồng thuận vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt, tạo điều kiện, từ đó, ông đã có “đất dụng võ” như mong muốn bấy lâu nay.
Ông Ngọc cho rằng, nếu có quyết tâm mà không có cơ hội từ chủ trương và định hướng của thành phố thì chắc chắn người nông dân sẽ khó mà mạnh dạn đầu tư lớn như vậy. May mắn là thời điểm đó, Hà Nội định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư; chăn nuôi sinh học công nghệ cao và chủ trương sản xuất giống để có hiệu quả kinh tế cao... đã tạo điều kiện để chúng tôi có động lực thực hiện.
Đến nay, trang trại của ông Hoàng Minh Ngọc đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả với quy mô đầu tư vốn là gần 40 tỷ đồng với 35.000 con gà bố mẹ, 40 máy ấp trứng, sản lượng 15.000 con giống xuất xưởng/ngày. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với lương thấp nhất là 7 triệu đồng/người/tháng, cao nhất là 60 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ông cũng luôn chia sẻ kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi trong huyện và đã đầu tư liên kết với 22 hộ nuôi gia công gà bố mẹ với số lượng 40.000 con.
Đến ứng dụng công nghệ, cho sản phẩm sạch
Gọi ông là lão nông thời công nghệ 4.0 là bởi dù là người nông dân ở cái tuổi ngũ thập nhưng ông Ngọc vẫn nhanh nhẹn lướt điện thoại thông minh nhoay nhoáy và nhận định xu thế tiến bộ của thế giới một cách rất chuyên nghiệp. Thế nên xuyên suốt cuộc trò chuyện, ông đặc biệt nhấn mạnh, muốn phát triển được phải chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với bảo vệ môi trường, đưa công nghệ cao vào sản xuất và không ngừng tìm tòi, học hỏi để cập nhật, đổi mới và ứng dụng trong tất cả các khâu.
Lão nông có tư duy hiện đại này chia sẻ: “Tôi đã áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp qua phần mềm kết nối mạng internet trên smartphone”.
Nói rồi ông mở điện thoại cho chúng tôi xem phần mềm với các chế độ điều chỉnh và xử lý mọi công đoạn trong quản lý và điều hành nên dù đi công tác nước ngoài ông cũng không lo về đàn gà ở nhà. Việc ứng dụng công nghệ còn giảm chi phí đầu vào, giảm nhân công, từ đó tăng thu nhập, cũng là cách kịp thời phát hiện những bất thường về dịch bệnh trên đàn gà để xử lý.
Thêm nữa, hệ thống trang trại của ông Hoàng Minh Ngọc được đầu tư xây dựng theo công nghệ chăn nuôi khép kín sử dụng điều chỉnh nhiệt bằng điện. Đặc biệt, hệ thống xử lý môi trường để không gây ô nhiễm môi trường cho chính những người chăn nuôi và cho khu vực xung quanh cũng được ông đầu tư rất cẩn thận và khoa học. Chẳng thế mà chúng tôi đứng hàng giờ phỏng vấn ngay tại trang trại, xung quanh hàng vạn con gà mà không hề bị ám mùi hôi, chuồng trại luôn sạch sẽ, hiện đại. Quan điểm của ông, vấn đề vệ sinh chuồng trại chính là bí kíp quan trọng để sản phẩm của trang trại đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nói về công nghệ xử lý môi trường, ông đặt mục tiêu về sức khỏe của mọi người trong gia đình, người chăn nuôi đến người tiêu dùng, an toàn thực phẩm, vấn đề tiêu thụ sản phẩm lên hàng đầu. Vì thế, ông đã lựa chọn phương pháp dùng cám gạo phối hợp với rỉ mật đường ủ với chế phẩm sinh học rồi rắc đều trong nền chuồng nuôi để khử trùng. Phương pháp này vừa rất dễ làm vừa hiệu quả rõ rệt.
“Tôi đã áp dụng phương pháp mới, đó là đưa men vi sinh để khử trùng hoàn toàn chuồng trại và khu vực xung quanh đàn gà nên gà ít mắc bệnh, không phải dùng thuốc kháng sinh” - ông Ngọc chia sẻ.
Cũng bởi vậy, hiện tại, hàng tháng các trang trại của ông xuất bán bình quân khoảng 45 vạn con gà giống (bình quân khoảng 1,5 vạn con/ngày) đi các tỉnh thành cả nước đều có chất lượng gà giống tốt. Điều đáng nói là, dù thị trường biến động, không ít thách thức về giá cả nhưng ông luôn kiên định với quan điểm kinh doanh của mình: “Quy trình tạo ra sản phẩm bắt buộc phải sạch vì đó là con giống”.
Được kiểm định bởi chất lượng nên trang trại gà giống của ông Ngọc ngày càng có tiếng, bao tiêu sản phẩm ổn định trên thị trường. “Bằng các nỗ lực của mình, cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã cho ra thị trường nhiều giống gà như gà ta lia, gà mía lai, gà hồ, gà Đông Tảo lai… đạt chất lượng cao được bà con chăn nuôi trên toàn quốc ưa chuộng. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Chúng tôi rời trang trại vào buổi chiều cùng ngày nhưng hình ảnh người nông dân có tầm nhìn xa, dám đầu tư công nghệ, dám bỏ tiền trước mắt để có thành quả lâu dài ấy vẫn để lại dấu ấn khó quên. Đó là dấu ấn về một người nông dân đã dần bỏ đi tư duy sản xuất manh mún, thay vào đó là sự hiện đại, tiến bộ trong sản xuất kinh doanh. Có thể, so với các nước tiên tiến trên thế giới, những công nghệ của ông ứng dụng không còn mới, song không thể phủ nhận rằng, những lợi ích thiết thực đem lại đã khiến cuộc sống của ông và nhiều người thay đổi trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đó thực sự là điểm sáng để hứa hẹn về một bước tiến trong sự hội nhập, sự bắt nhịp với thời cuộc của người nông dân Việt. Chắc chắn một hệ sinh thái chăn nuôi sạch, hiệu quả bền vững sẽ không còn xa nữa. Một ngành chăn nuôi Việt phát triển xứng tầm hẳn nhiên cũng bắt đầu từ những con người đầy khát vọng làm giàu như thế.