Phóng viên TTXVN ghi nhận, khu vực lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng, đoạn qua Thôn Đam Kia, xã Lát, huyện Lạc Dương đang xảy ra tình trạng san gạt đất lấn chiếm ngay trên vành đai an toàn hồ, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan. Đáng lo lắng hơn, việc san gạt đất nhằm canh tác nông nghiệp và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố Đà Lạt.
Hồ Đankia - Suối Vàng nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đây chính là nơi khởi nguồn của hệ thống sông Đồng Nai rộng lớn. Tình trạng san ủi, gạt bằng hàng loạt diện tích đất quanh hồ, từ bên trên xuống lòng hồ để làm nông nghiệp đã diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt tình trạng chặt thông, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất vẫn diễn ra ngang nhiên nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý dứt điểm. Theo một số người dân đang canh tác gần hồ Đan Kia, hoạt động san ủi vẫn diễn ra thường xuyên, sau đó các nhà kính nhanh chóng được dựng lên. Người dân địa phương bán lại cho những người dân vùng khác đến trồng rau, hoa. Ngay khi phóng viên đang tác nghiệp tại khu vực thôn Đan Kia, xã Lát gặp một người dân đốt cháy khoảng 5-7 lóng gỗ để phi tang. Những lóng gỗ có đường kính từ 30 – 50cm, dài 1,2m nằm ngổn ngang. Bên cạnh đó, một cây thông vừa cưa xong, còn thơm mùi nhựa thông.
Theo báo cáo số 499/BC-STNMT ngày 6/11/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng về “tình hình khai thác, sử dụng, các nguồn tác động gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia – Suối Vàng và các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm”, thời gian gần đây hoạt động sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi) trong lưu vực, đặc biệt là trong phạm vi hành lang bảo vệ lòng hồ chứa là nguồn tác động chính gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Đan Kia. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp xung quanh lưu vực hồ với diện tích khoảng 1.700 ha gây ô nhiễm từ phân bón hữu cơ, vô cơ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không được thu gom đúng quy định đã phát sinh ra môi trường và theo các dòng suối chảy về hồ Đan Kia.
Đặc biệt, báo cáo cũng đánh giá hiện trạng chất lượng nước hồ Đan Kia: “Trong những năm gần đây, kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước trong hồ Đan Kia có xu hướng thay đổi theo chiều hướng gia tăng nhẹ mức độ ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh vật. Theo kết quả quan trắc năm 2018 và 8 tháng năm 2019, riêng chỉ tiêu tổng chất lơ lửng (TSS) hầu như vượt từ 1,03 đến 3,5 lần mức cho phép. Tính đến thời điểm báo cáo, chất lượng nước hồ vẫn đáp ứng nhu cầu sản xuất nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân”.
Về vấn đề thu gom rác thải xung quanh hồ Đan Kia, theo bà Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Dương, nhiều năm qua, huyện đã có chủ trương làm hồ lắng ở phía thượng nguồn hồ Đan Kia, đây là khu vực có diện tích 100 ha. Khu vực này được đánh giá nguồn nước sạch, cách xa khu sản xuất nông nghiệp nên thuận lợi để xử lý nguồn nước, đảm bảo an toàn sử dụng cho người dân. UBND huyện Lạc Dương đã có văn bản đề nghị tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đề án xây dựng hồ lắng nhưng chưa được tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước, UBND huyện Lạc Dương đã bố trí gần 200 thùng chứa rác thải nông nghiệp như bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu vực thị trấn Lạc Dương, khu vực gần sản xuất nông nghiệp xung quanh hồ Đan Kia, suối Vàng. Người dân chưa thực sự có ý thức bảo vệ môi trường mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động. Tình trạng bỏ rác thải nông nghiệp lẫn với rác sinh hoạt hay bỏ rác không đúng quy định vẫn diễn ra, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Cùng với đó du khách vào tham quan chụp ảnh, cắm trại khu vực gần hồ cũng chưa có ý thức bảo vệ môi trường.
Hồ Dankia - Suối Vàng là cụm hồ ở vùng đất thôn Đan Kia xã Lát huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 20 km về phía Bắc. Hồ Đan Kia- Suối vàng ban đầu có diện tích khoảng 400 ha, độ sâu trung bình khoảng 6m, dung tích 21 triệu m3, phục vụ cho nhà máy thủy điện Ankroet. Từ năm 1984, được sự giúp đỡ của Đan Mạch, nhà máy nước Đan Kia 1 đi vào vận hành, cung cấp cho thành phố Đà Lạt 18.000 m3/ngày, sau đó được nâng lên 27.000 m3/ngày. Hiện nay mỗi ngày hồ nước này cung cấp cho người dân và du khách đến thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương từ 45.000- 55.000m3 nước.