Phía NHNN đề nghị Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank khẩn trương thực hiện chương trình trên từ ngày 1/4/2023.
Ngày 3/4, đại diện NHNN cho biết: NHNN đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các NHTM và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Đối tượng được gói 120.000 tỷ đồng là chủ đầu tư đầu tư dự án, khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.
Theo đó, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ giao NHNN Việt Nam chủ trì triển khai chương trình trên để chỉ đạo các NHTM, trong đó chủ lực là: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các NHTM Nhà nước trên thị trường và các NHTM ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Theo NHNN, nguyên tắc cho vay là khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật; đồng thời, mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định; mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần.
Thời hạn giải ngân của Chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi, đối với chủ đầu tư áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.
Đối với người mua nhà, áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Đặc biệt, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm; lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.
Ngoài ra, các ngân hàng này, các NHTM khi tham gia Chương trình thì cần thực hiện theo hướng dẫn và có văn bản báo cáo NHNN tham gia Chương trình và gửi văn bản đăng ký khai thác thông tin về chương trình cho Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã có sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Theo ông Đào Minh Tú, cơ chế cho vay sẽ do các ngân hàng quyết định, nhưng lãi suất sẽ giảm 1,5% với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và nhà xây lại chung cư cũ. Còn với người mua nhà thì lãi vay sẽ giảm 2% với cơ chế thông thoáng. "Mỗi người chỉ vay một lần, cho một căn nhà ở xã hội để đảm bảo sự công bằng", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt Thủ tướng ký phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Theo đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước xây dựng được một triệu căn nhà ở xã hội. Mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn với tổng vốn đầu tư khoảng 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.
Quy định lựa chọn chủ đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng khuyến khích xã hội hóa. Chủ đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ không phải nộp lại tiền sử dụng đất được miễn khi bán nhà.
Doanh nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội rồi cho người lao động trong đơn vị thuê lại. Địa phương phải công khai quỹ đất xây nhà ở xã hội để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư; bố trí ngân sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.
Các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… phải ưu tiên xây dự án độc lập nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở vị trí thuận tiện, quy mô lớn, đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản quan tâm hơn đến việc phát triển nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn.
Việt Nam đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn. Riêng nhà ở công nhân khu công nghiệp cũng đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án với 62.700 căn hộ. Số dự án đang tiếp tục triển khai là 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ.