Phấn đấu hạ lãi suất vay; cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ
Tháng 4/2023, Việt Nam có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 154,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 119,1 nghìn lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,2% về vốn đăng ký và tăng 28,5% về số lao động so với tháng 3/2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 6,4% về số doanh nghiệp, giảm 5,7% về số vốn đăng ký và tăng 13,7% về số lao động.
“Sau tháng 3 giảm nhẹ, doanh nghiệp thành lập mới tháng 4/2023 đã bật tăng khi thấy các cơ hội kinh doanh. Điều này thể hiện rõ ở số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 4 với 9.610 doanh nghiệp, tăng 52,9% so với tháng trước và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2022”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 465.000 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 331,4 nghìn lao động, tăng 0,6% về số doanh nghiệp, giảm 26,8% về vốn đăng ký và giảm 4,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 29.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2023 lên 78.900 doanh nghiệp. Bình quân mỗi tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ngành Ngân hàng vẫn tiếp tục hạ lãi suất. Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước – NHNN): Bốn ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Kể từ ngày 1/5, Vietcombank tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện hữu. Chương trình kéo dài trong 3 tháng tới. Đợt giảm lãi suất lần này tác động đến 600.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank và có khoảng 110.000 khách hàng tổ chức và cá nhân sẽ được hưởng chính sách giảm lãi suất này.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các NHTM Nhà nước khác để giảm lãi trong quý II/2023. Có người hỏi tôi, ngân hàng cứ nói giảm lãi suất như vậy thì có vay được không? Tôi xin trả lời rằng, trong 3 tháng đầu năm, Vietcombank tăng 2,5% tốc độ tăng dư nợ. Nếu không có mặt bằng lãi suất tốt, ngân hàng không thể tăng được với tốc độ như vậy”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Theo lãnh đạo Vietcombank, dư nợ tín dụng mới đóng góp 40% tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong 3 tháng đầu năm. Điều đó chứng tỏ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của chúng tôi đã đưa được vào nền kinh tế để hỗ trợ người dân.
Ông Phạm Chí Quang chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, NHNN tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vận dụng linh hoạt các công cụ điều hành đề tăng cung tiền cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay. Chính phủ và NHNN liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, tăng cung tiền, giảm lãi suất, mua giấy tờ có giá; liên tục giảm lãi suất trên thị trường mở từ 6% nay chỉ còn 5%. Ngoài ra, NHNN cũng mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối... Tính đến nay, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022.
"Việc một vài ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay và lãi suất huy động cao bất thường sẽ phá vỡ đường cong lãi suất, xoá sạch nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc tiết giảm lãi suất. Đề nghị các NHTM phải thấy được trách nhiệm của mình với các cổ đông, xã hội mà có mức lãi suất hài hoà, không có sự chênh lệch quá lớn giữa đầu vào và đầu ra”, lãnh đạo NHNN chỉ đạo.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động cho thấy tính thanh khoản tại các ngân hàng đang tốt lên và nguồn vốn tín dụng dần dồi dào. “Với chủ trương của Chính phủ và dưới sự điều ngành của NHNN, lãi suất huy động trong tháng này sẽ tiếp tục giảm. Và khi NHNN phát động giảm lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ đồng loạt hạ lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay giảm theo”. “Tôi kỳ vọng lãi suất trên thị trường trong nước sẽ giảm 1,5 - 2% cả ở huy động và cho vay vào thời điểm đầu tháng 5/2023”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo thống kê của Cổ phần Chứng khoán (SSI), hiện mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước COVID-19, dao động ở mức 10 - 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Đặc biệt, NHNN vừa ban hành 2 Thông tư quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của các NHTM. Các biện pháp đều hướng đến việc cung cấp các điều kiện pháp lý thuận lợi và rõ ràng hơn, giải quyết những khó khăn về thanh khoản tạm thời trên thị trường, và giúp ổn định tâm lý trên thị trường. Nhờ đó, hiện nay thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm.
Khơi dậy các động lực tăng trưởng
Một số chuyên gia tài chính dự báo: Hiện lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh ngay bởi trước đó, các NHTM đã huy động lãi suất cao với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng. Nguồn vốn giá cao như vậy khiến chi phí vốn của ngân hàng cũng cao, kết hợp với chi phí vốn rẻ ở thời điểm hiện tại (lãi suất 6 - 7%) khiến chi phí vốn bình quân của ngân hàng vẫn ở mức khá cao.
"Đó là lý do vì sao, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay được mà phải đến quý III/2023 khi lãi suất huy động xuống thấp, lãi suất cho vay có điều kiện hạ thêm mà không gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng", TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.
Theo GS TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Việt Nam cần phải thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp ổn định vĩ mô phục hồi tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp kích cầu, kích cầu du lịch, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công.
“Chúng tôi thấy rằng dư địa chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn. Vì thế phải trông vào chính sách tài khóa. Trong đó tiếp tục gia hạn thuế theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP Chính phủ; rà soát lại các gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phần nào chưa giải ngân hết như tiền hỗ trợ lãi suất 2% dự kiến đến hết năm 2023 còn khoảng còn 37.520 tỷ đồng chưa giải ngân, và khoảng 2.823 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư thì nên điều cho chính sách khác có khả năng thực hiện”, GS TS Tô Trung Thành cho biết.
Về đầu tư công, Chính phủ cần có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, cần đẩy mạnh các giải pháp cụ thể như: nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; điều chuyển vốn cho các dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và các dự án khẩn cấp. Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện Luật Đầu tư công cùng các luật khác có liên quan. Đồng thời, xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; cần hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 5,5 - 6%. Dù Trung Quốc đã mở cửa từ tháng 1/2023 sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng, thương mại, đầu tư, du lịch... toàn cầu và Việt Nam, song sẽ khó bù đắp được tác động tiêu cực từ môi trường quốc tế, cũng như sự sụt giảm từ các đối tác lớn của Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu về kinh tế vĩ mô năm 2023, TS Cấn Văn Lực kiến nghị, Việt Nam cần chủ động sớm chuyển trạng thái điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang "thích ứng, nới lỏng phù hợp". Trong bối cảnh nhiều yếu tố cộng hưởng tích cực cho kiểm soát lạm phát nêu trên, Việt Nam không nên quá lo ngại về lạm phát năm nay mà quá thận trọng, kìm hãm tăng trưởng.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 và các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định gần đây của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao; nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp chính sách; thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư thông qua khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, triển khai hiệu quả các biện pháp kích cầu và du lịch trong nước; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý...