Cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ
Là đơn vị hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) có nhiều sáng kiến và khuyến nghị cho Việt Nam.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP hỗ trợ Kế hoạch hành động quốc gia ở nhiều khía cạnh khác nhau, kết hợp chuyên môn hoạch định chính sách, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và điều phối sự tham gia của các bên liên quan. UNDP giúp xác định rõ ràng các nhiệm vụ quan trọng, từ xây dựng năng lực, củng cố cơ sở hạ tầng, thực hiện các biện pháp can thiệp tuần hoàn, quản lý chất thải, đến hợp tác nhiều bên, nhiệm vụ của các các cơ quan bộ, ban, ngành liên quan, kèm theo khung thời gian dự kiến và nguồn ngân sách.
Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam, sáng kiến hợp tác đối tác công - tư do UNDP, Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi xướng từ năm 2022, đóng vai trò là nền tảng tương tác giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng, đối tác phát triển và viện nghiên cứu, kết nối các nguồn lực kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Theo bà Ramla Khalidi, khoảng 80% tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm và nền kinh tế tuần hoàn yêu cầu đưa khái niệm “thiết kế” vào cốt lõi. UNDP khuyến nghị áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bao gồm các sản phẩm ưu tiên như bao bì, nhựa, dệt may và điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn; cùng với các chính sách về "mua sắm công xanh" nhằm thúc đẩy sức mua của chính quyền địa phương và Trung ương.
UNDP đã thực hiện những sáng kiến hỗ trợ Việt Nam hướng đến mục tiêu net-zero, một trong số đó là thông qua việc xác định các biện pháp can thiệp có thể cắt giảm đáng kể phát thải khí nhà kính dựa trên nguyên lý kinh tế tuần hoàn. Tại Huế, nghiên cứu của UNDP đã đưa ra 14 can thiệp chính. Những can thiệp này sẽ giúp giảm 17% lượng khí thải vào năm 2030 và 38% vào năm 2050 so với kịch bản cơ sở. Đây là một nỗ lực đo lường những tác động về mặt khí hậu khi triển khai chính sách kinh tế tuần hoàn.
Bà Ramla Khalidi cho rằng, cam kết của Việt Nam đối với nền kinh tế tuần hoàn không chỉ để ứng phó với các thách thức bảo vệ môi trường, mà còn là một giải pháp giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững. Cam kết này dựa trên ba nguyên tắc chính như định nghĩa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu tác động lên môi trường.
Năm 2020, Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về nhựa (GPAP). Ông Christian Kaufholz, Giám đốc Chương trình cho biết, Chương trình đối tác toàn cầu về nhựa (NPAP) tại Việt Nam có hơn 200 tổ chức tham gia từ cơ quan Chính phủ đến khu vực tư nhân. Chương trình đối tác toàn cầu về nhựa đã đưa ra lộ trình thực hiện chương trình hành động quốc gia xử lý nhựa của Việt Nam, thúc đẩy các nguồn lực thực hiện mục tiêu này.
Quỹ Dragon Capital đang phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu tín chỉ đa dạng sinh học. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ cho biết đã có khoảng 100 quốc gia nghiên cứu xây dựng tín chỉ đa dạng sinh học, làm công cụ huy động tài chính hỗ trợ công tác bảo vệ đa dạng sinh học. Hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam.
Phát huy tiềm năng nội tại
Thừa Thiên - Huế là địa phương điển hình trong ban hành, thực hiện các định hướng, chính sách, từng bước triển khai chuyển đổi phát triển theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Tỉnh tích cực tham gia các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nổi bật là Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải. Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2030 ngành Giao thông Vận tải nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Thừa Thiên - Huế nghiên cứu sáng kiến giao thông điện/xanh như thí điểm “Hỗ trợ cung cấp vốn cho vay ưu đãi cá nhân mua sắm phương tiện xe điện”; triển khai 6 xe tải điện điểm thí điểm thu gom rác thải tại thành phố Huế; phổ biến Chỉ số Khí hậu Doanh nghiệp đến các doanh nghiệp, phân tích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc theo đuổi mô hình doanh nghiệp xanh và đầu tư vào các sản phẩm và chuỗi giá trị xanh, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong năm 2023 bằng hình thức cho vay không lãi suất trong 1- 2 năm, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc hỗ trợ tài chính chuyển đổi xe máy điện cho 190 người dân và 65 nhân viên giao vận (shipper) tại thành phố Huế.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế, mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 600 tấn chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn... Từ đó, tỉnh quyết định xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng phân loại tại nguồn, sau đó đốt để phát điện. Thừa Thiên - Huế kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng Nhà máy điện rác Phú Sơn với công suất 600 tấn/ngày, đang được vận hành thử nghiệm từ 01/9/2023. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, về cơ bản, chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh sẽ được xử lý, giảm thiểu tối đa việc chôn lấp.
Đối với rác thải nhựa, tỉnh phát động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, người dân nói không với việc sử dụng nhựa một lần và nhận được sự ủng hộ cao. Các chợ dân sinh, các siêu thị…đã vận động, thay đổi thói quen người tiêu dùng khi đi mua sắm là thay thế túi ni-lông bằng các túi dùng nhiều lần, túi giấy. Bên cạnh đó, tỉnh vận động và nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của môi trường thông qua các chương trình, hành động cụ thể như “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên - Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”, thành phố 4 mùa hoa, Đề án Ngày Chủ Nhật xanh…Nhờ đó, mật độ cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị (thành phố mở rộng) đạt gần 8,7m2/người; cao hơn tiêu chuẩn (6m2/người), xứng đáng với danh hiệu Huế - thành phố Xanh quốc gia.
Thực thi kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết lập hệ thống quản lý và áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) cho biết, Tập đoàn xây dựng chính sách phát triển bền vững gồm 6 trụ cột chính, gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đó là dinh dưỡng và sức khỏe, môi trường, giáo dục, con người, cộng đồng, phúc lợi động vật.
Hướng đến Net Zero trên toàn chuỗi sản xuất vào năm 2050, Tập đoàn TH áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất nhằm giảm phát thải, rõ nét nhất phải kể đến là ở lĩnh vực giảm thiểu nhựa và sản xuất năng lượng xanh. Tập đoàn TH là thành viên đồng sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam), Liên minh Doanh nghiệp Việt Nam vì môi trường (VB4E), Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần. Doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu nhựa, như giảm 50% lượng thìa sữa chua dùng một lần đi kèm sản phẩm sữa chua ăn TH true YOGURT; bỏ hoàn toàn màng co plastic trên nắp các sản phẩm nước tinh khiết TH true WATER; giảm trọng lượng các bao bì chai nhựa; giảm độ dày của nhãn mác bọc chai; thúc đẩy thu gom và tái chế bao bì đã qua sử dụng; khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải canvas; sử dụng túi nhựa sinh học thân thiện hơn với môi trường,...
Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia.