Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã chuyển đổi mô hình phát triển từ "chiều rộng" sang phát triển theo "chiều sâu" và đang tiếp tục đẩy mạnh. Tăng trưởng kinh tế dựa vào 3 trụ cột là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước đang dần bị thu hẹp. Khu vực FDI mỗi năm thu hút hơn 10 tỷ USD, riêng năm 2018 lên tới 19 tỷ USD. Duy nhất tăng trưởng kinh tế trong khối tư nhân còn nhiều dư địa.
Cần tăng cả lượng và chất
Kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đang đóng vai trò quan trọng làm gia tăng tốc độ tăng trưởng. Nghị quyết 10 của Trung ương cũng đã xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân mới chỉ chiếm 40% GDP, kinh tế Nhà nước gần 30%, còn lại là các thành phần kinh tế khác. Theo các chuyên gia, điều này là chưa xứng tầm.
Tại hội thảo "Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ bứt phá" do Kênh Truyền hình VITV tổ chức mới đây, ông Lương Minh Chánh, Chủ tịch Trường đào tạo Quản trị kinh doanh BizUni cho rằng, kinh tế tư nhân phải là trụ cột của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc kinh tế tư nhân cần phải chiếm từ 50% GDP trở lên. Để làm được điều này, kinh tế Nhà nước phải giảm dần tỷ trọng.
Đồng quan điểm, Phó Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Đến hết 2018, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chiếm 42% GDP của cả nước. Mục tiêu đến năm 2020, nước ta có 1 triệu doanh nghiệp, 2030 có khoảng 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 60 - 65% GDP.
"Cơ hội lớn lên của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang hội tụ từ sự cộng hưởng của 3 làn sóng gồm cải cách thế chế, hội nhập và kinh tế số, sẽ giúp hiện thực hóa những con số này", ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhận định.
Hiện nay, kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng, số doanh nghiệp mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn của người dân đưa vào kinh doanh đạt hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. Chưa kể, phong trào khởi nghiệp đang rất sôi động, thu hút hàng vạn người trẻ tuổi có ý chí, hoài bão, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm tham gia.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, không thể hiểu việc giảm kinh tế Nhà nước theo hình thức cơ học.
“Chúng ta tạo điều kiện để tỷ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển ra", ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ quan điểm.
Cơ chế khơi mở tiềm năng
Ở góc độ các doanh nghiệp tư nhân, điều mà họ mong muốn là Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hạn chế thủ tục hành chính.
“Năm 2019, Chính phủ nhắc đến bứt phá về thể chế, chúng tôi mong muốn cần bứt phá về con người, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chi phí tăng lên, quản lý không đồng bộ, thiếu hiệu quả", ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kiến nghị.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chính phủ trong nhiều năm qua đã tạo cho doanh nghiệp nhiều điều kiện cần và đủ cho cải cách và phát triển. Điều kiện cần là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện đủ là những cải cách đó hiện thực hóa ra sao. Kinh tế Việt Nam đã thay đổi, hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn có điều kiện phát triển hơn cả doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng hoạt động còn nhiều, cho thấy các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa không trụ lại được hoặc không được hỗ trợ. Nhà nước cần hỗ trợ để họ phát triển lên thành doanh nghiệp trung và lớn hơn.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản lên tới 16.675 doanh nghiệp, bằng 104,36% số doanh nghiệp thành lập mới.
Vấn đề tiếp cận đất đai, thủ tục giải phóng mặt bằng phức tạp, giá thuê đất cao, thủ tục cấp phép khó khăn, thông tin quy hoạch không rõ ràng, chồng chéo… Vấn đề thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa thiếu hiệu quả. Chi phí kinh doanh như logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, lãi suất... cao. Đây là những điều khiến doanh nghiệp "ngao ngán".
Đề xuất cơ chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, cần xác định các doanh nghiệp hoạt động tại các lĩnh vực trọng yếu của đất nước để dồn sức hỗ trợ.
“Cơ quan quản lý cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn, giàu nguồn lực tham gia thị trường, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Cần chú trọng phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn và thiết yếu như nông nghiệp công nghệ cao, điện tử, lắp ráp ô tô... để tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Thân đề xuất.