Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá mạnh mẽ sau dịch bệnh COVID-19

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố bước vào giai đoạn khôi phục mạnh mẽ với nhiều giải pháp đồng bộ.

Chú thích ảnh
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang khôi phục mạnh mẽ với nhiều sản phẩm du lịch mới. 

Nhiều ngành nghề phục hồi mạnh mẽ

Ngay khi TP Hồ Chí Minh mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, Công ty TNHH xuất khẩu thủy sản Khánh Tài cũng đã có các đơn hàng mới để xuất khẩu đi các nước. Tính đến nay, công ty  đã khôi phục hoạt động sản xuất 100% , người lao động đã được tuyển đủ cho dây chuyền sản xuất, các đơn hàng xuất khẩu cũng được kí đến hết quý 3/2022.

Anh Vũ Hoàng Khánh, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu thủy sản Khánh Tài cho biết: "Chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc khôi phục hoạt động sản xuất từ đầu tháng 10/2021 với nhiều phương án mới là tuyển lại nguồn lao động mới để bổ sung lao động nghỉ việc trong mùa dịch nhằm duy trì hoạt động sản xuất; xúc tiến mở rộng thị trường ở các nước lân cận Việt Nam, tranh thủ hoàn thành các đơn hàng cũ... Ngoài ra, chúng tôi cũng được hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền thành phố khi giảm tiền điện, giảm thuế... nhờ vậy công ty có thêm động lực để khôi phục hoạt động sản xuất trở lại sau dịch bệnh". 

Chia sẻ về việc khôi phục kinh tế từ đầu năm đến nay, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian “khởi động” của 3 tháng cuối năm 2021 (bình thường mới từ 1/10/2021) thì ngay trong quý I/2022, thành phố đã đạt những kết quả bước đầu trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, tạo niềm tin rất lớn cho hệ thống chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Đến hết tháng 3, hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều cơ sở, doanh nghiệp tái cơ cấu đã đăng ký hoạt động. Ví dụ, tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, tỷ lệ này ở ngoài khu công nghiệp là hơn 90%. Ngoài ra, một tỷ lệ lớn người lao động cũng đã trở lại thành phố làm việc sau khi về quê trong tâm dịch.

Theo các thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, các lĩnh vực kinh tế của thành phố đều có mức tăng trưởng khá, nhất là trong tháng 3. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý I/2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III và IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế thành phố đã đạt mức tăng trưởng dương. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt hơn 121 nghìn tỷ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD. So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 1,04%. Ấn tượng hơn, du lịch là một trong các lĩnh vực bị đại dịch COVID-19 “tàn phá” nặng nề nhất nhưng cũng đang bước đầu phục hồi.

Chú thích ảnh
Các ngành dịch vụ bán lẻ có mức tăng trưởng ổn định hơn sau mùa dịch bệnh. 

Là ngành khôi phục mạnh mẽ nhất sau đợt dịch bệnh lần thứ tư, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua ngành du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thì ngành du lịch lại là ngành khôi phục mạnh mẽ nhất. Để khôi phục lại ngành du lịch, TP Hồ Chí Minh đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch nội thành mới và đẩy mạnh kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước để xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm du lịch.

"Sắp tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của Thành phố, hoàn thiện bộ sản phẩm du lịch với các chương trình du lịch đặc trưng của Thành phố theo các chủ đề "Sài Gòn xưa và nay", "Cảm xúc Sài Gòn" và "Năng động Sài Gòn". Du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng; phát triển sản phẩm du lịch y tế, thể thao, chương trình “100 điều thú vị” để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch phục vụ du khách; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước...", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm. 

Với những kết quả đạt được đầy ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của thành phố trong quý I/2022, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Kết quả này là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp sau những ngày tháng bị tác động rất khủng khiếp do dịch bệnh đợt thứ tư. Đây là sự khởi đầu thuận lợi để nền kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới".

Tạo sức bật cho phục hồi

Nhận định về việc phục hồi kinh tế nhanh của TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc tế cho biết, TP Hồ Chí Minh đã trải qua năm 2021 vừa "đáng quên" nhưng cũng vừa "đáng nhớ" bởi phải chống chọi với dịch bệnh khốc liệt, nhiều người dân mãi mãi ra đi, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản... Từ trong khó khăn, TP Hồ Chí Minh đã thể hiện được bản lĩnh tiên phong, đi đầu khi nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, tái lập cuộc sống bình thường, mở cửa kinh tế, khôi phục nhiều hoạt động quan trọng. Với sự quyết liệt, dũng cảm của bộ máy lãnh đạo, TP Hồ Chí Minh đã "lành bệnh" và hồi sinh nhanh hơn.

"Sắp tới, để tiếp tục duy trì trạng thái bình thường mới, tận dụng thời cơ hồi phục, phát triển kinh tế và giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu kinh tế, TP Hồ Chí Minh cần có những kế hoạch, chiến lược quyết liệt hơn nữa để khơi thông nguồn lực tại chỗ, tận dụng ưu đãi của Chính phủ... nhằm nối lại chuỗi cung ứng, tháo điểm nghẽn hạ tầng và cải cách thể chế hiệu quả", ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, TP Hồ Chí Minh cần dồn sức vào 3 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, đánh thức lại tiềm năng du lịch thông qua việc mở cửa, thu hút du khách song song với các kế hoạch kiểm soát dịch bệnh tốt nhất có thể. Thứ 2, triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, để tạo hiệu ứng lan tỏa đến các ngành kinh tế cũng như tạo điều kiện thuận lợi về giao thương. Trong đó, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức đối tác công tư. TP Hồ Chí Minh đang có điểm nghẽn lớn về mặt hạ tầng nhưng đây cũng chính là dư địa để bứt phá phát triển nếu tìm được cách tháo gỡ. Thứ 3, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh trên cơ sở coi đây là động lực bứt phá mới và quan trọng.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới để người lao động có thêm nhiều việc làm. 

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, dự báo thời gian tới, thành phố tiếp tục phải đối diện với những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh; tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến khó lường; xu hướng tăng giá nhiều loại hàng hóa có thể khiến gia tăng lạm phát, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân...

Tuy nhiên, quán triệt tinh thần phục hồi nền kinh tế, văn hóa, xã hội TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị: “Trên tinh thần sức mạnh tập thể, mỗi người phải thấy được trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ chung. Các đồng chí đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn nữa, dám nghĩ dám làm. Thành phố đã bắt nhịp trở lại thì đừng để đầu tàu kinh tế của đất nước bị chậm lại. Việc hoàn thành các mục tiêu đề ra của năm 2022 là rất quan trọng, bởi từ đó chúng ta mới có cơ sở vững chắc để hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025”.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Nên, kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh sau mùa đại dịch. Vì vậy, để khôi phục mạnh mẽ kinh tế, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển kinh tế số cao hơn cả nước. Một khi thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh phấn đấu khôi phục kinh tế, xã hội trong năm 2022
TP Hồ Chí Minh phấn đấu khôi phục kinh tế, xã hội trong năm 2022

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021, kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều điểm sáng, làm động lực khôi phục trong năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN