Theo Bộ Tài chính, nguồn kinh phí dành cho tăng lương giai đoạn từ nay đến năm 2026 là 913,3 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí tăng thêm rất lớn, vì vậy trong những năm qua thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tích lũy tạo nguồn cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng khuyến nghị, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích lũy tạo nguồn cho cải cách tiền lương từ các khoản tăng thu, tiết kiệm chi, thu của các đơn vị sự nghiệp ở cả trung ương và địa phương.
Đối với năm 2024, cùng với việc sử dụng nguồn dự toán chi trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn cải cách tiền lương tích lũy của cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong nhiều năm theo quy định thì Bộ Tài chính cho biết cũng đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII từ ngày 1/7/2024.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự kiến sang năm và năm nữa sẽ bù đắp và bố trí ngân sách hàng năm cho việc cải cách tiền lương.
Trước đó, ngày 30/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức cũ là 1,8 triệu đồng/tháng.
Về kinh phí thực hiện việc tăng lương cơ sở, theo Nghị định, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.
Bên cạnh đó, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.
Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.
Sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao; Sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2023 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố có thể sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.