Đặc biệt, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị lập tổ công tác thanh tra, kiểm tra việc tăng giá cước vận tải và các loại phụ thu ngoài giá cước của các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ.
Cụ thể đánh giá về nguyên nhân tăng giá giá thuê tàu và container, ông Hoàng Hồng Giang cho hay, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá này. Thứ nhất là do đại dịch COVID-19 kéo dài, một số nước đồng loạt áp dụng biện pháp kiểm soát đi lại, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao thương. Nhiều cảng biển ở các nước (đặc biệt châu Âu, châu Mỹ) trong tình trạng ứ đọng do thiếu nhân lực xử lý, dẫn đến hàng triệu container bị ùn tắc tại cảng hoặc biên giới gây ra tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng. Đồng thời, một số cảng biển áp dụng biện pháp cách ly cũng dẫn đến thời gian quay vòng tàu kéo dài hơn so với trước.
Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu nhập khẩu của châu Mỹ, châu Âu đối với hàng hóa từ Trung Quốc và châu Á gia tăng. Trung Quốc là thị trường vận tải lớn, lượng container rỗng được hãng tàu ưu tiên dồn về Trung Quốc nên các nước lân cận bị ảnh hưởng thiếu container rỗng; trong đó có Việt Nam.
Nguyên nhân thứ ba theo ông Hoàng Hồng Giang đó là do có sự mất cân đối giữa lượng hàng xuất và nhập từ tháng 10/2020 do nhu cầu nhập khẩu của châu Âu, châu Mỹ tăng cao tạo nên sự mất cân bằng container giữa hàng xuất và hàng nhập, trong năm 2020, sản lượng container xuất khẩu tăng cao, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (7,38 triệu TEUS), trong khi lượng hàng nhập tăng 8% (7,27 triệu TEUS).
Đánh giá về thực trạng giá cước vận tải biển, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang thông tin, trên cơ sở ý kiến phản ánh bằng văn bản và tại cuộc họp của các hiệp hội, các chủ hàng xuất nhập khẩu, từ cuối tháng 10/2020, giá cước vận tải biển tăng rất cao, đặc biệt là các tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ, giá cước đã tăng từ 2-10 lần. Ngoài việc tăng giá cước, một số hãng tàu còn thu thêm phụ phí RR (Rate Restoration) đối với hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam với mức giá từ 50 - 200 USD/container từ đầu tháng 11/2020.
“Mặc dù giá cước vận tải tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đặt được chỗ trên tàu do thiếu container rỗng để đóng hàng, hàng hóa đã sẵn sàng để xuất khẩu nhưng không thể vận tải buộc phải lưu kho bãi”, ông Giang cho hay
Theo ông Giang, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam chủ yếu thực hiện hình thức mua CIF, bán FOB (giao, nhận hàng tại cầu cảng Việt Nam) chiếm khoảng 90%, nên không trực tiếp thuê phương tiện và trả giá cước, giá cước vận tải do đối tác nước ngoài trực tiếp chi trả. Tuy nhiên, do giá cước tăng quá cao, đối tác nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải chia sẻ khoản chi phí tăng thêm”.
“Việc các hãng tàu liên tục tăng giá cước, các loại phụ phí đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí vận tải, chi phí lưu kho bãi, ảnh hưởng đến sản xuất và phân phối hàng hóa. Đặc biệt hiện nay đang vào mùa cao điểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như nông sản, thủy sản, hàng hóa không được giao đúng thời hạn nên bị đối tác nước ngoài hủy hợp đồng. Đồng thời, nguyên nhiên liệu đặt từ nước ngoài về Việt Nam để phục vụ sản xuất cũng không được giao đúng tiến độ, dây chuyền sản xuất bị gián đoạn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, một số doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục tồn tại, buộc phải đóng cửa sản xuất”, ông Hoàng Hồng Giang phân tích.
Để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, trong thời gian qua Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp như Cục đã chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển đẩy nhanh thủ tục cho tàu thuyền ra, vào cảng được thuận lợi nhanh chóng; xây dựng phương án bảo đảm an toàn hàng hải để cho phép tàu có trọng tải lớn ra vào cảng; yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển tăng hiệu suất khai thác, tận dụng tối đa nguồn lực để giải phóng tàu nhanh, không để xảy ra tình trạng chậm chễ trong quá trình làm hàng.
Về việc niêm yết giá, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản về giá cước vận tải container bằng đường biển và văn bản về niêm yết giá, theo đó yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm túc niêm yết giá theo quy định, công khai minh bạch giá cước và tăng giá theo đúng quy định của pháp luật; có giải pháp tăng lượng dự trữ container rỗng; kêu gọi các hãng tàu đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn khó khăn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Hoàng Hồng Giang khẳng định, đến nay các hãng tàu vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá và chưa có báo cáo về Cục Hàng hải Việt Nam.
Để có giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từng bước bình ổn giá cước vận tải, trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, doanh nghiệp Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tăng giá cước vận tải và các loại phụ thu ngoài giá cước của các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng container tồn đọng tại cảng biển để các doanh nghiệp có container rỗng phục vụ vận tải hàng hóa.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa container xuất nhập khẩu trong năm 2020 của Việt Nam đạt 14,65 triệu TEUS, tăng 10,6% so với năm 2019; trong đó sản lượng container xuất khẩu 7,38 triệu TEUS (tăng 13% so với năm 2019), nhập khẩu 7,27 triệu TEUS (tăng 8% so với năm 2019). Dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, tuy nhiên trong những tháng cuối năm 2020 các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp rất nhiểu khó khăn do giá cước vận tải biển tăng cao, thiếu container rỗng để đóng hàng.
Về sản lượng container rỗng, tính đến trung tuần tháng 1/2021, tổng số container rỗng được lưu tại cảng biển đạt 40.946 container; trong đó container 40 feet chiếm 70%. Với số lượng container rỗng như vậy chỉ đủ đáp ứng cho sản lượng hàng hóa container xuất khẩu bình quân trong 3-4 ngày.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở xét đề nghị của Bộ Công Thương về chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng do hiện tượng tăng giá thuê tàu và container. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm và làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu, container.